Xác định trách nhiệm nợ đọng XDCB

Thực ra, số nợ đọng XDCB này không mới và đã từng được Bộ Tài chính đưa ra vào cuối năm 2012. Điều đáng nói, con số nợ đọng XDCB có sự thiếu thống nhất. KTNN và Bộ Tài chính đưa ra hơn 91.000 tỷ đồng, trong khi số liệu công bố cùng thời điểm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng.

Câu chuyện về con số hơn 91.000 tỷ đồng nợ đọng trong xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2011 lại tiếp tục trở thành chủ đề nóng của báo giới khi Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố.

Thực ra, số nợ đọng XDCB này không mới và đã từng được Bộ Tài chính đưa ra vào cuối năm 2012. Điều đáng nói, con số nợ đọng XDCB có sự thiếu thống nhất. KTNN và Bộ Tài chính đưa ra hơn 91.000 tỷ đồng, trong khi số liệu công bố cùng thời điểm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng.

Còn tại báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại đưa ra con số 94.000 tỷ đồng. Và sau 2 năm, con số thực tế nợ đọng XDCB còn lại là bao nhiêu cũng chưa được công bố.

Ngược lại thời điểm năm 2011, có thể thấy việc chi tiêu ngân sách đang có những tồn tại nhất định. Năm 2011 thu ngân sách vượt dự toán trên 21% (962.982 tỷ đồng so với 721.804 tỷ đồng). Nhưng dường như việc thu tăng cũng khiến chi tăng mạnh: 1.034.244 tỷ đồng, vượt 8,5% so với dự toán, chủ yếu tăng chi đầu tư phát triển.

Nếu căn cứ vào số liệu chính thống, gần nhất từ cơ quan nắm hầu bao và cơ quan kiểm toán, có thể thấy số liệu về nợ đọng XDCB rất “khủng khiếp”. Nếu so với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng Chính phủ ưu tiên dành để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản từng phải “nâng lên, đặt xuống” nhiều lần, thì số nợ đọng XDCB quả thực quá nghịch lý.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn ngân sách thường phải có kế hoạch. Vì vậy, để con số nợ đọng XDCB lên tới hơn 91.000 tỷ đồng là điều khó hiểu. Nguyên nhân có thể có nhiều như nợ đọng đến từ ngân sách chưa kịp bố trí vốn; chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ, lơi lỏng trong việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy trình, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nên không thể hoàn thành việc quyết toán...

Nhưng rõ ràng trong mọi tình huống có thể xảy ra, doanh nghiệp vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Kéo theo đó là các hệ quả doanh nghiệp phá sản, ngân hàng bị nợ xấu, ngân sách mất đi khoản thu, người lao động thất nghiệp, công trình dở dang gây lãng phí…

Trong số hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản năm 2011, chưa có cơ quan nào thống kê được sự ra đi của bao nhiêu doanh nghiệp chịu hệ lụy từ việc nợ đọng XDCB. Theo các chuyên gia kinh tế, nghịch lý ở chỗ doanh nghiệp nợ thuế có rất nhiều chế tài xử phạt, còn Nhà nước nợ doanh nghiệp lại… vô tư.

Do vậy, dù với bất kỳ lý do gì, việc Nhà nước thanh toán khoản nợ đọng về XDCB cho các doanh nghiệp là đòi hỏi cấp bách và tạo sự công bằng, bình đẳng trong các hoạt động kinh tế.

Để giải quyết tình trạng này, kể từ thời điểm tháng 10-2012 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các Chỉ thị 27, 09, 14, trong đó có đề cập đến việc xử lý nợ đọng XDCB.

Hàng loạt biện pháp giải quyết tình trạng này cũng được đưa ra, như từ năm 2013 phải ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng XDCB trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, coi đây là chỉ tiêu bắt buộc trong quy trình tổng hợp, bố trí và giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách địa phương; bảo đảm hàng năm trước ngày 20-5 phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng XDCB; bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng XDCB; không yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án khi chưa được bố trí vốn…

Vấn đề đặt ra là bên cạnh các giải pháp cần thiết nêu trên, việc cần tiến hành ngay là kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, gắn với trách nhiệm cá nhân, trong việc để phát sinh nợ đọng XDCB thời gian qua. Bởi thực tế cho thấy, nếu không quy rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, khó có thể ngăn ngừa được tình trạng thiếu trách nhiệm trong chi tiêu ngân sách.

Điều này đã được minh chứng qua số liệu gần đây của Bộ Tài chính. Đó là sau 8 tháng kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán khoảng 35 tỷ đồng. Số tiền từ chối này do chủ đầu tư đề nghị thanh toán cao hơn giá trúng thầu, sai số, không có trong hợp đồng, dự toán.

Các tin khác