Vui, buồn phóng viên “nghị trường”

(ĐTTCO) - Làm phóng viên theo dõi kỳ họp Quốc hội là trải nghiệm khá thú vị. Bởi lẽ đó là cơ hội để tham dự, nghe tranh luận trực tiếp về những vấn đề nóng của xã hội, các vấn đề lập pháp… 
Cùng với đó là cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, phỏng vấn các lãnh đạo hàng đầu của Trung ương lẫn địa phương. Nhìn bề ngoài, phóng viên “nghị trường” có vẻ nhàn nhã, song trong khoảng 1 tháng đưa tin kỳ họp, công việc đó không chỉ toàn màu hồng.
“Sang chảnh”

Với cái nắng nóng của mùa hè, có những lúc thậm chí lên tới 45 độ nếu ở ngoài đường vào lúc cao điểm, những phóng viên theo dõi kỳ họp Quốc hội vẫn có thể ung dung trong phòng máy lạnh. Nhiệt độ trong phòng thường xuyên chênh nhau cả 10-20 độ so với thời tiết bên ngoài.
Thế nên mới có chuyện có những người do lạnh quá phải mang những cái khăn quá khổ đến để trùm, đắp cho đỡ lạnh khi làm việc, nghỉ trưa. Có lẽ, thời điểm “ngại” nhất khi tiếp xúc với “dãi dầu mưa nắng” là lúc đi bộ khoảng 500 m từ bãi gửi xe vào Nhà Quốc hội, giữa cái nắng chang chang hay cơn mưa bất chợt.

 Với nhiều phóng viên phải làm việc cả ngày, Trung tâm báo chí như nhà của mình. Thậm chí khi điện đã tắt tối om, với những cơ quan báo chí ở xa, Trung tâm báo chí vẫn là nơi làm việc hợp lý hơn cả. Đến họp khi sáng sớm nhưng ngày nào cũng mờ mịt tối mới ra khỏi hầm là tâm sự của một phóng viên về một ngày làm việc của mình. Đó cũng là tình cảnh chung của không ít phóng viên theo dõi kỳ họp. 
Mỗi khi kỳ họp đến vào tháng 5 và tháng 10 hàng năm, Trung tâm báo chí ở tầng hầm B1 Nhà Quốc hội lại là nơi gặp gỡ của hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế (song chủ yếu là phóng viên trong nước) đến dự, đưa tin về kỳ họp. Từ báo hình, báo nói mà anh chị em hay gọi vui là “có hình, có tiếng và có tiếng mất hình” cho đến đủ các loại báo giấy, điện tử; báo trung ương có, địa phương không hiếm.
Điểm thú vị là trong khu vực đặt Trung tâm báo chí, mọi nhu cầu thiết yếu về ăn uống cơ bản đầy đủ. Có quán cà phê, ăn sáng; buổi trưa có căn tin phục vụ ăn trưa cho tất cả ai có nhu cầu; cảnh vệ, công an phục vụ làm nhiệm vụ vòng ngoài lẫn cánh báo chí. Giá cả cũng vào diện khá mềm: bún, phở giá chỉ 25.000 đồng/bát, suất cơm trưa tự chọn giá 35.000 đồng/suất… Chính vì tác nghiệp trong hoàn cảnh như vậy nên nhiều người vẫn gọi vui cánh phóng viên theo dõi nghị trường là nhóm “sang chảnh”.

“Ăn, ngủ, nghỉ” cùng nhau cứ mỗi kỳ họp, nên cũng như “buôn có bạn, bán có phường”, Câu lạc bộ Phóng viên Quốc hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện của các thành viên tham gia. Và cũng như nhiều câu lạc bộ chuyên môn khác, câu lạc bộ phóng viên “nghị trường” cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các đại biểu (ĐB) Quốc hội – những người chuyển tải tiếng nói của họ đến cử tri.

Thuận lợi nhất của phóng viên theo dõi kỳ họp là có thể tìm được người phỏng vấn những vấn đề báo quan tâm không khó khăn khi gần 500 ĐB ở Quốc hội, không ít người là chuyên gia trên mỗi lĩnh vực. Mặt khác, việc tác nghiệp tại Trung tâm báo chí cũng tương đối thuận lợi với 2 màn hình tivi cỡ lớn phát trực tiếp thảo luận của ĐB tại hội trường.
Vui, buồn phóng viên “nghị trường” ảnh 1 Các phóng viên chuẩn bị sẵn sàng để tác nghiệp bên hành lang Quốc hội. Ảnh: CHU NGỌC THẮNG
Nhưng tác nghiệp không hề nhàn
Thế nhưng, nếu chỉ nhìn những hào nhoáng bên ngoài để nói rằng việc tác nghiệp của phóng viên nghị trường nhàn thì có vẻ đó là đánh giá… nhầm. Với những yêu cầu thông tin khắt khe, tinh thần “thảo luận gì hỏi nấy”, nên phóng viên muốn tiếp xúc phỏng vấn với các ĐB Quốc hội tại tầng 3 của Nhà Quốc hội, ngoài thẻ báo chí để tham dự kỳ họp còn cần phải có thêm thẻ sự kiện. “Quota” thẻ sự kiện này được duy trì nhiều năm nay nhưng mỗi năm lại có những điều chỉnh khác nhau.  Thí dụ như kỳ họp thứ 3 đang diễn ra chỉ có 30 thẻ sự kiện được phát ra. Đầu kỳ, do số lượng có hạn, lại ưu tiên người đến sớm nên nhiều người muốn có thẻ phải đến sớm để đăng ký thẻ. Sau điều chỉnh, thời điểm phát thẻ, ai có mặt đăng ký. Vì thế, để có được thẻ sự kiện vào thời điểm đó, tình trạng “chen lấn” cũng diễn ra khi nhu cầu lớn mà cung lại hạn chế.
Sau đó, do phản ánh về sự không hợp lý, chưa bình đẳng giữa các báo nên Trung tâm thông tin của Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội điều chỉnh bằng cách mỗi ngày có 25/30 thẻ được phát ra dựa trên nhu cầu đăng ký của báo, mỗi báo 1 thẻ, tối đa không quá 20 buổi có thẻ/báo… Điều này cũng dẫn đến nghịch lý là có những tạp chí, báo tuần ngày không cần thẻ vẫn nằm trong danh sách, còn nhật báo từ điện tử đến báo giấy phải đứng nhìn hoặc chờ khi đồng nghiệp mình không đến để “lấp chỗ trống”.

Để có thẻ đã khó như vậy, song có thẻ phỏng vấn được hay không là chuyện khác. Có những thời điểm vấn đề nóng, nhạy cảm, đụng chạm là ĐB “trốn tiệt đâu mất” khi giải lao, thậm chí có lúc cánh phóng viên chực chờ ở nhà vệ sinh chờ ĐB ra để hỏi cũng không thấy đâu vì hóa ra họ “luồn” đi cổng khác. Gặp những ca đó thế là công toi với những phóng viên chuyên làm phỏng vấn bên lề. Còn khi ĐB đồng ý trả lời, nỗi ám ảnh bị giật tít, câu view không đúng ý còn khiến những ĐB sau khi trả lời phỏng vấn xong về vấn đề nóng còn đề nghị giật tít… nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng!
Chưa kể, có ĐB sau một thời gian dài nhiệt tình trả lời anh em báo chí về các vấn đề nóng, được mọi người tín nhiệm thì một ngày “đẹp trời” tự nhiên hỏi “nhuận mồm” (nhuận bút) đâu với một đồng nghiệp nữ khiến cô này… ngỡ ngàng, bức xúc. Bởi lẽ, trong suy nghĩ ĐB của dân, trách nhiệm phản ánh kiến nghị của cử tri, có tiếng nói trong vấn đề nóng, nhưng khi được đề nghị phỏng vấn lại đòi “bồi dưỡng” là chưa hợp lý.

Đấy là nói chuyện có đề tài để viết, để phỏng vấn, còn khi “bí” thì có thẻ sự kiện lên hội trường họp nhiều khi chỉ để “ngắm ĐB và chém gió” với nhau cho hết giờ giải lao. Khi đó, chỉ nghĩ mong sao có những sự kiện nóng, “giật gân” ngoài xã hội để có cớ tìm ĐB phỏng vấn. 

Gõ chữ phát biểu, gỡ băng phỏng vấn, với nhiều phóng viên, tuy vất vả nhưng “oải” nhất vẫn là nghe những bài phát biểu nhàn nhạt, không có ý tưởng mới trong đóng góp của ĐB. Điều đó cũng giải thích cho nhiều người về thắc mắc tại sao quanh đi quẩn lại chỉ vài gương mặt ĐB xuất hiện trên truyền thông trong khi số lượng ĐB cũng đến gần 500. Có thể do là các ĐB Quốc hội khóa XIV còn mới, chưa có nhiều gương mặt thực sự nổi trội trong phát biểu lại ít tiếp xúc với báo chí nên hai bên “không thể đến được với nhau”.

Các tin khác