Vốn IDA cho Việt Nam có thể giảm

“Nguồn vốn vay ưu đãi từ cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam có thể bị suy giảm trong thời gian tới, đặc biệt là sau 3 năm nữa bởi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình”, bà Victotia Kwakwa, Giám đốc World Bank tại Việt Nam cho biết.

“Nguồn vốn vay ưu đãi từ cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam có thể bị suy giảm trong thời gian tới, đặc biệt là sau 3 năm nữa bởi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình”, bà Victotia Kwakwa, Giám đốc World Bank tại Việt Nam cho biết.

 

Sau 20 năm chính thức có mặt tại Việt Nam, số vốn mà WB đã tài trợ cho Việt Nam thông qua các Hiệp định tài trợ vốn vay lên tới 17 tỷ USD. Số tiền không nhỏ này cũng đã giúp Việt Nam nâng cấp các cơ sở hạ tầng kinh tế, dịch vụ, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo… nhưng nguồn vốn viện trợ này có thể sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới, và như vậy Việt Nam sẽ phải chuyển sang tiếp nhận nguồn vốn kém ưu đãi hơn. Vậy Việt Nam sẽ phải làm gì và làm thế nào để tranh thủ được nguồn vốn tài trợ ưu đãi từ cộng đồng quốc tế?

17 tỷ USD mà Nhóm Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Việt Nam thông qua các Hiệp định vốn vay ưu đãi tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên cao của Nhà nước như: đô thị (22%), năng lượng (19%), giao thông (16%), phát triển nông thôn (13%), cho vay chính sách (6%), khoản vay cải cách chính sách (13%), giáo dục (5%), y tế (4%).

Nhiều công trình phúc lợi xã hội, dân sinh, hạ tầng giao thông đã đồng loạt xuất hiện, nhưng nguồn vốn vay ưu đãi từ cộng đồng quốc tế, cụ thể là nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục duy trì và kéo dài trong bao lâu nữa là vấn đề được quan tâm lúc này.

Bà Victotia Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới World Bank tại Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi từ vốn vay ưu đãi (IDA) không phải là quyết định đơn phương từ WB. Như bạn đã biết, IDA là tập hợp các nguồn lực được đóng góp bởi các nước phát triển hơn từ châu Âu, các nước Mỹ Latin... để cho phép một quốc gia tiếp tục hưởng lợi từ các nguồn vốn ưu đãi IDA, các nước đóng góp cho IDA về cơ bản phải đồng ý.

Vì vậy, Ban Giám đốc điều hành của WB đã dựa trên cơ sở thuyết phục của Chính phủ Việt Nam khi đề nghị tiếp tục hưởng IDA. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đã giải trình tốt để tiếp tục hưởng IDA, trên cơ sở đó, Ban lãnh đạo WB đã đề xuất với các nước đóng góp vào IDA đồng ý để Việt Nam được tiếp tục tham gia chu kỳ tiếp theo của IDA, đó là chu kỳ IDA thứ 17. Và chúng tôi rất vui mừng vì đề nghị này đã được chấp nhận. Chúng tôi dự kiến ​​Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ IDA ít nhất là trong giai đoạn 2014-2017”.

Sở dĩ, nguồn vốn vay ưu đãi từ cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam có thể bị suy giảm trong thời gian tới, đặc biệt là sau 3 năm nữa là bởi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Khi đó, Việt Nam buộc phải chấp nhận vay nguồn vốn kém ưu đãi hơn từ cộng đồng quốc tế. Nhưng dù là kém ưu đãi hơn thì nguồn vốn này vẫn rất cần cho Việt Nam để phát triển. Mối quan tâm lúc này là nguồn vốn kém ưu đãi hơn sẽ được tập trung đầu tư vào đâu và cách thức phân bổ thế nào cho hiệu quả. 

Bà Victoria Kwa Kwa đánh giá: “Tại rất nhiều quốc gia thu nhập trung bình thành công mà WB chỉ cho vay IBRD (IBRD được sử dụng trong một loạt các lĩnh vực: giáo dục, y tế, an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng...). Vì vậy tôi không thích phân loại rằng IBRD chỉ dành cho cơ sở hạ tầng, hay chỉ cho các dự án tạo ra doanh thu để trả nợ.

Tôi hy vọng rằng đó không phải là câu trả lời, ý tưởng là xem xét một cách tổng thể chương trình phát triển của Chính phủ là gì, đâu là lĩnh vực mà WB có thể mang lại giá trị gia tăng thông qua hỗ trợ tài chính và bổ sung bằng kiến thức, bằng việc phân tích, các tư vấn chính sách. Và nếu dự án của bạn là trong lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, giáo dục hoặc là cơ sở hạ tầng lớn, thì câu trả lời là có, bạn sẽ được tài trợ, bằng nguồn IBRD hoặc không, bởi vì bạn biết bạn muốn có những lợi ích tốt nhất cho đất nước, đó là cách thức chúng tôi nhìn nhận”.

Việc tận dụng được nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế là rất quan trọng, đối với Việt Nam, nhưng theo đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì ngay cả khi có được nguồn vốn ưu đãi hay không thì Việt Nam vẫn phải nỗ lực vươn lên bằng nội lực của mình. Và Việt Nam trong vài năm qua đã đi qua những  khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam nhận xét: “Tình hình kinh tế hiện tại của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều, nền kinh tế đã ổn định với nhiều thành tựu nổi bật như lạm phát đã giảm xuống mức 6-7 % từ mức rất cao trong năm 2011, tỷ giá hối đoái ổn định, tài khoản vãng lai thặng dư. Tốc độ tăng trưởng tuy chậm lại đôi chút nhưng đang hồi phục trong vài quý vừa qua.

Để duy trì các thành quả này, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu đã đề ra, bao gồm cải cách khu vực ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước, tăng hiệu quả đầu tư công, tận dụng nguồn nhân lực trẻ và rất chăm chỉ, hướng tới đạt được tiềm năng tăng trưởng rất cao của đất nước trong thời gian tới.

Như vậy, nguồn vốn ưu đãi từ Nhóm ngân hàng Thế giới sẽ tiếp duy trì đối với Việt Nam trong vòng 3 năm nữa. Và khi đã tốt nghiệp nhóm nước có thu nhập trung bình thì Việt Nam phải tiếp nhận nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn nếu có nhu cầu.

Các tin khác