Vốn đầu tư nước ngoài TPHCM tăng gấp đôi so cùng kỳ ​

(ĐTTCO)-Đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký và bổ sung của các doanh nghiệp là 492.679 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, TPHCM thu hút đầu tư nước ngoài được 2,15 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.
 
Buổi họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm 2017.
Buổi họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm 2017.
Sáng 15-6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017.
Trong thời gian này TPHCM có 18.030 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 227.514 tỷ đồng, tăng 10,5% về số lượng doanh nghiệp và tăng 57,5% về vốn đăng ký.

“Qua sáu tháng đầu năm, TPHCM đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp… Qua đó kinh tế TPHCM tiếp tục tăng trưởng, các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục phát triển. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,46% cao hơn cùng kỳ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế giảm phụ thuộc vào vốn đầu tư, khu vực dịch vụ chiếm 57,8%, khu vực công nghiệp - xây dựng 23,8%, khu vực nông lâm thủy sản chiếm 0,7%”, bà Hoa đánh giá.

Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn có một số hạn chế, yếu kém như thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, chưa kịp thời và chủ động thực hiện rà soát, đề xuất đơn giản hóa. Công tác quản lý, tổ chức thực hiện theo quy hoạch chưa được tập trung đúng mức, đã có nhiều dự án đầu tư không đồng bộ hạ tầng xã hội, thiếu kết nối hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép vẫn diễn biến phúc tạp ở quận 7, quận 9, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn.

Về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình trạng ùn ứ giao thông vẫn còn xảy ra thường xuyên, đặc biệt là tại một số khu vực như đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Đinh Bộ Lĩnh; đường Cộng Hòa; đường Nguyễn Thị Định; đường Nguyễn Tất Thành; đường Nguyễn Thị Minh Khai...

Sau khi nghe báo cáo của Sở Công thương, Chủ tịch  UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ không hài lòng. "Tôi giao anh Kiên (Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương - PV) tính toán sự đóng góp của các ngành dịch vụ chủ yếu (ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, y tế...) vào tăng trưởng kinh tế đã ba tháng nay nhưng báo cáo vẫn rất sơ sài", Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GRDP của TPHCM tăng 7,46% so với cùng kỳ nhưng nó được tính trên tốc độ thương mại, công nghiệp và chưa vụ chưa tính sự đóng góp của các ngành dịch vụ. Trong khi đó, bốn ngành công nghiệp chủ lực và chín nhóm ngành dịch vụ chủ yếu đóng góp vào giá trị tổng sản phẩm của TPHCM với vai trò không phải là nhỏ.
Về việc thành lập doanh nghiệp mới thì chỉ tiêu năm 2017 sẽ có 50.000 doanh nghiệp mới được thành lập nhưng đến nay chỉ có hơn 18.000 doanh nghiệp. Như vậy, với thời gian còn lại, liệu có được 32.000 doanh nghiệp mới đạt được theo kế hoạch? Ngoài ra, trong số các doanh nghiệp mới được thành lập số lượng doanh nghiệp bất động sản chiếm đến 40%, trong khi các doanh nghiệp sản xuất phát triển, đầu tư các ngành nghề chiến lược thì chiếm tỷ lệ thấp.
“Chúng ta cần phải suy nghĩ thêm về cơ cấu thành lập doanh nghiệp mới thì bất động sản chiếm tỷ lệ lớn”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong băn khoăn.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng không hài lòng trước tốc độ giải ngân trong sáu tháng qua chỉ đạt được 32% theo kế hoạch. Việc có vốn nhưng tiêu thụ chậm là do điều hành quản lý hay ách tắc về thủ tục hành chính? "Phải tìm ra nguyên nhân. Các đơn vị đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu. 

Các tin khác