Vốn chứng khoán chủ yếu “đánh quả”

(ĐTTCO) - Dù thị trường chứng khoán (TTCK) đã có những bước phát triển nhất định, nhưng thời gian qua việc cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào nguồn tín dụng của hệ thống ngân hàng (NH). Vì vậy, sự phát triển của TTCK sẽ là kênh quan trọng giúp doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ (ảnh), cho biết: 

Hiện tổng tín dụng được cấp qua kênh NH xấp xỉ 7,5 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP, trong khi quy mô TTCK chỉ 3 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay từ hệ thống NH đang bị hạn chế khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tiếp tục giảm theo lộ trình, từ mức 45% năm 2018 xuống 40% năm 2019 và giới hạn tăng trưởng tín dụng dự kiến tiếp tục ở mức 14%.  
 
Những khó khăn, hạn chế 
PHÓNG VIÊN: - Vậy lý do nào khiến kênh dẫn vốn từ TTCK vẫn lép vế so với NH, thưa ông?
TS. VŨ BẰNG: - TTCK có sự phát triển khá mạnh mẽ thời gian qua, đã hoàn thành các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển đến năm 2020. Tuy nhiên, để TTCK thực sự là kênh huy động vốn dài hạn quan trọng của doanh nghiệp (DN), dần thay thế kênh tín dụng NH đang là thách thức rất lớn. 
 Hiện nay để huy động được nguồn vốn thông qua TTCK, DN phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, nhất là với DN đa sở hữu như CTCP, đại chúng. Đó là lý do khiến nhiều DN vẫn lựa chọn vay vốn NH, thay vì gọi vốn trên TTCK.
Khó khăn đầu tiên đến từ quy mô của TTCK hiện nay còn nhỏ (quy mô DN nhỏ, chất lượng DN thấp, tỷ lệ nhà đầu tư tham gia TTCK thấp…), những DN được nhà đầu tư quan tâm không nhiều do không đáp ứng được các tiêu chí đầu tư. Chính vì vậy, đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) DNNN, thúc đẩy niêm yết những ngành, lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng. Song, thực tế việc CPH đang diễn ra chậm do các DN phải CPH sắp tới đều có quy mô lớn, có nhiều vấn đề liên quan đến đất đai cần phải giải quyết.
Về kêu gọi vốn đầu tư hiện nay, bên cạnh thể chế còn có những hạn chế ở góc độ DN, nhiều lãnh đạo DN chưa tin tưởng vào chính DN mình thì làm sao nhà đầu tư có thể bỏ vốn vào được. Việc duy trì cấp phát vốn đầu tư dự án từ ngân sách nhà nước, thay vì tạo sự cạnh tranh, đã làm nhiều DN không có chiến lược bài bản, lâu dài cho sự phát triển. Hệ quả, khi TTCK tăng trưởng nhà đầu tư bỏ tiền vào “đánh quả”, sau đó rút vốn ra. 
Rõ ràng nhìn tổng thể, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực, đặc biệt khả năng cung ứng vốn còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò là kênh dẫn vốn của nền kinh tế. Cấu trúc thị trường trái phiếu mất cân bằng; tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn cao trong khi tỷ trọng nguồn vốn trung và dài hạn thấp, khiến nền kinh tế không đủ nguồn lực bảo đảm phát triển bền vững. 
Thị trường vốn vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng NH, trong khi thị trường tín dụng phát triển thiếu tính ổn định. Hệ thống luân chuyển dòng vốn cũng chưa hiệu quả, thể hiện qua sự bất hợp lý trong việc phân bổ nguồn lực giữa các ngành kinh tế. Việc thị trường nội địa thiếu hụt nguồn vốn dài hạn cũng khiến hệ thống tài chính bị phụ thuộc vào nguồn lực từ những nhà nhà đầu tư nước ngoài (thể hiện qua các thương vụ bán vốn tại Vinamilk, Sabeco…).

Quản trị công ty là mấu chốt
- Để TTCK thực sự trở thành kênh huy động vốn, theo ông cần phải làm gì?
- Điều tôi quan tâm hiện nay là các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu DN. Hiện nay, tỷ lệ dư nợ trái phiếu DN mới chiếm khoảng 9% GDP, rất thấp so với bình quân của các nước trong khu vực là 22%. Nguyên nhân thị trường này chưa phát triển do sự thiếu lòng tin của nhà đầu tư đối với DN, khi các thông tin được công bố chưa theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Thí dụ, thông tin DN không được trình bày theo chuẩn báo cáo tài chính quốc tế IFRS, sẽ khiến nhà đầu tư quan ngại vì không thể hiểu hết giá trị tài sản thực, kết quả kinh doanh thực và chiều hướng phát triển của DN trong tương lai… 
 Để thúc đẩy quản trị công ty, cần thiết phải có ban chỉ đạo từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, với vai trò chủ đạo là Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Trong đó, quản trị trong NH, DNNN phải được nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, quản trị công ty cũng là một rào cản để DN có thể huy động vốn qua kênh trái phiếu. Theo đánh giá của Công ty Tài chính Quốc tế IFC, dựa trên tiêu chuẩn của khối OECD, điểm quản trị công ty của DN Việt đang ở vị trí rất thấp so với các nước trong ASEAN.
Để thay đổi, trong ngắn hạn, chúng ta nên có bước đi chuyển đổi là giảm điều kiện nhưng tăng cường tính minh bạch trong phát hành trái phiếu. Điều cần thiết nhất là tính minh bạch, hiệu quả hoạt động của DN. Chúng ta phải tôn trọng các quy luật, nguyên tắc thị trường. Các biện pháp hành chính sẽ bóp nghẹt thị trường và ảnh hưởng tới việc khơi thông dòng vốn. Cùng với đó phát triển thị trường trái phiếu, mua bán nợ, thị trường cho DN khởi nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Vốn chứng khoán chủ yếu “đánh quả” ảnh 1 Để TTCK là kênh dẫn vốn quan trọng của DN vẫn là một thách thức lớn. 
- Vậy vai trò quản trị công ty trong việc huy động vốn, tăng năng suất lao động ra sao, thưa ông? - Như tôi đã nói, vai trò của quản trị công ty cực kỳ quan trọng trong tăng năng suất lao động của DN; quyết định đến cái nhìn dài hạn của DN tư nhân. Đây là điều rất quan trọng, vì khác với nhà đầu tư cá nhân phần nhiều chỉ “đánh quả”, các quỹ thường đầu tư lâu dài và khi tham gia họ sẽ hỗ trợ rất tốt DN nhận vốn tiếp tục nâng cao quản trị công ty. Sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, hiện nay trên thế giới, DN đã chú trọng hơn đến quản trị công ty. Kinh tế gặp khó khăn vấn đề quản trị càng phải chú ý. Quản trị là mấu chốt của tăng hiệu quả DN, tăng năng suất. Tuy nhiên, hiện nay rào cản trong quản trị công ty ở Việt Nam là nhận thức. Nhiều lãnh đạo DN không thích quản trị theo thông lệ quốc tế do họ muốn tập trung quyền hành lãnh đạo nên ngại minh bạch, ngại bị kiểm soát.  Giải pháp cho vấn đề này là cần sửa đổi Luật DN, đồng thời đưa vào Luật Chứng khoán (sửa đổi) chương về quản trị DN theo mô hình của kinh tế thị trường, làm sao tăng được quản trị rủi ro, hiệu quả của DN. Cần kết hợp cung cấp kiến thức với bắt buộc các công ty đại chúng, phải tuân thủ thông qua các quy định đưa ra trong Luật Chứng khoán, Luật DN. Đồng thời, nâng cao các tiêu chuẩn về niêm yết. DN muốn niêm yết trên các bảng lớn phải có quản trị tốt. Bên cạnh đó khuyến khích DN thực hiện theo các bộ quy tắc về quản trị thông qua các chương trình về chấm điểm quản trị, đào tạo.  Vẫn kỳ vọng… - Ông có thể nhận định về những tín hiệu tích cực của TTCK hiện nay? - Trong thu hút đầu tư nước ngoài, việc nâng hạng TTCK đóng vai trò rất quan trọng. Năm 2018, TTCK Việt Nam được vào danh sách xem xét nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market) của tổ chức FTSE. Dù MSCI chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét xếp hạng, nhưng đây cũng là những tín hiệu tích cực.  Tại kỳ họp giữa năm nay, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về Luật Chứng khoán (sửa đổi). Nếu vấn đề sở hữu nhà đầu tư nước ngoài chưa có sự thay đổi đột phá và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu mở cửa theo đánh giá của các nhà đầu tư quốc tế, MSCI sẽ chưa thể đưa vào danh sách xem xét ngay năm nay.  Để giải quyết gốc của vấn đề cần phải sửa Luật Đầu tư, vì đây là luật “mẹ” với định hướng làm sao vừa thu hút được dòng vốn ngoại, nâng cao tính minh bạch để TTCK thực sự trở thành kênh dẫn vốn dài hạn, hướng tới phục vụ tăng trưởng kinh tế. - Xin cảm ơn ông. 

Các tin khác