Việt Nam tăng 5 bậc năng lực cạnh tranh toàn cầu

Việt Nam được tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2013-2014 theo xếp hạng vừa công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới.

Việt Nam được tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2013-2014 theo xếp hạng vừa công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới.

 

Hôm nay 4-9, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2013 - 2014, theo đó, Thụy Sỹ và Singapore tiếp tục là 2 nền kinh tế cạnh tranh nhất trong số 148 nền kinh tế trên thế giới.

Theo WEF, những tiêu chí cạnh tranh đáng chú ý nhất của Thụy Sỹ đó là trình độ cải tiến, hiệu quả của thị trường lao động và sự tinh vi trong kinh doanh.

Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 5 sau Đức. Có 2 nền kinh tế châu Á lọt vào top 10 là Hong Kong (thứ 7) và Nhật Bản (thứ 9). Việt Nam xếp ở vị trí thứ 70, tăng 5 hạng so với vị trí 75 vào năm ngoái.

Biểu đồ GDP bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 1999-2011. Biểu đồ cho thấy GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng dần qua các năm nhưng khoảng cách so với mức bình quân của các nước đang phát triển ở châu Á.
Biểu đồ GDP bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 1999-2012. Biểu đồ cho thấy GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng dần qua các năm nhưng khoảng cách so với mức bình quân của các nước đang phát triển ở châu Á.

Theo WEF, việc tăng hạng này chủ yếu nhờ những cải thiện của Việt Nam về môi trường kinh tế vĩ mô (xếp thứ 87, tăng 19 bậc) khi lạm phát trở về mức một con số trong năm 2012, chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng cũng được cải thiện (xếp thứ 82, tăng 13 bậc. Ngoài ra, Việt Nam cũng có bước tiến về hiệu quả thị trường hàng hóa (xếp thứ 74, tăng 17 bậc nhờ giảm các rào cản thương mại và thuế quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh nêu trên, kinh tế Việt Nam vẫn còn một số hạn chế. Trong tất cả thứ hạng đánh giá 12 tiêu chí với kinh tế, ngoài tiêu chí quy mô thị trường (xếp thứ 36) thì các tiêu chí khác của Việt Nam đều trên 57.

Đặc biệt, trong khi một số tiêu chí được tăng thứ hạng thì số khác lại giảm ví dụ như hiệu quả thị trường lao động (xếp thứ 56, giảm 5 bậc), sự phát triển của thị trường tài chính (xếp thứ 93, giảm 5 bậc), mức độ sẵn sàng về công nghệ (thứ 102, giảm 4 bậc) bởi doanh nghiệp Việt Nam vẫn chậm ứng dụng công nghệ mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các vấn đề cần quan tâm của Việt Nam được WEF chỉ ra còn có lượng phát thải CO2 lớn, sức ép về tài nguyên nước lớn hay nói cách khác, quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng đang tác động tiêu cực đến môi trường dẫn đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước.

Báo cáo mức độ cạnh tranh toàn cầu dựa trên 12 nhân tố chính của mức độ cạnh tranh, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về tình hình cạnh tranh ở các nước trên thế giới. Các nhân tố này là: thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, sức khỏe và giáo dục, mức độ hiệu quả của thị trường hàng hóa, thị trường lao động, sự phát triển thị trường tài chính, công nghệ thông tin, quy mô thị trường, sự tinh vi trong kinh doanh và cải tiến.

Các tin khác