Việt Nam nhất quán phát triển nhanh và bền vững

(ĐTTCO) - Ngày 17-1, ngày thứ 2 của Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 đã diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn thu hút khoảng 2.000 đại biểu tham gia các phiên hội thảo chuyên đề và đối thoại chính sách.
 Phiên đối thoại chính sách cấp cao diễn ra chiều cùng ngày với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở nhiều vấn đề cho Việt Nam.
Cần sự đột phá trong chính sách
Phát biểu đề dẫn diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, kinh tế Việt Nam có một năm thành công và đáng ghi nhận. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất của khu vực và trên thế giới, vượt qua con số dự báo trước đó. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng thiết lập những kỷ lục mới.
 “Việt Nam cần làm tốt hơn công tác chống tham nhũng. Cùng với đó, bảo đảm an ninh năng lượng, bởi Việt Nam rất dễ gặp khó khăn trong lĩnh vực này. Cần phải hướng mạnh đến các loại năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Các khí ga tự nhiên thải ra khoảng 60% khí dioxin, khi kết hợp với khí khác thì sẽ gây tác hại trầm trọng cho sức khỏe. Tôi ấn tượng với sự tham gia của kinh tế tư nhân ở nhiều lĩnh vực quan trọng, tuy nhiên, chưa mở cửa cho tư nhân vào lĩnh vực năng lượng. Việt Nam nên có cơ chế để tư nhân thực thi các dự án năng lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của quốc gia về năng lượng. Lúc đó, điện sạch, giá rẻ sẽ được lựa chọn”.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
“Tuy nhiên, khi đang đứng trên thành công chính là lúc chúng ta cần tĩnh tâm tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính cốt yếu, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho giai đoạn tới. Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nói, đồng thời nhấn mạnh, một quốc gia muốn hóa rồng, hóa hổ thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.
Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách. Tại diễn đàn, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng, năm 2019 và trong trung hạn, tình hình thế giới, khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. ADB dự báo Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 nhưng cảnh báo quản lý vĩ mô của Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức trong năm 2019. Việt Nam cần tận dụng cơ hội để đạt được sự vững chắc của mình nhằm đối phó với các rủi ro, trong đó cần có chính sác tiền tệ, tài chính linh hoạt, cải cách có kết quả tích cực hơn để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững. 
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia IFC Việt Nam, nhận định: Việt Nam là quốc gia thu hút vốn FDI nhiều nhất trong khối ASEAN, nhưng những gì mà doanh nghiệp, người dân trong nước được thụ hưởng là chưa tương xứng. Có 70% xuất khẩu là từ khu vực FDI, giá trị xuất khẩu nội địa của Việt Nam khá thấp, thậm chí thấp hơn nhiều nước ASEAN. Tỷ trọng của giá trị nội địa trên thực tế đã giảm dần theo thời gian, ví dụ ngành điện tử có 60% nguyên liệu là nhập khẩu...
Như vậy, Việt Nam vẫn tập trung vào lắp ráp cơ bản, gia công, giá trị gia tăng thấp, trong khi đó yêu cầu là phải tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu, lan tỏa công nghệ, có nhiều hơn những nhà cung cấp trong nước đủ năng lực. Ông Kyle Kelhofer cho rằng, cần đẩy mạnh chất lượng đào tạo đại học để nâng cao chất lượng nhân lực.
Việt Nam nhất quán phát triển nhanh và bền vững ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày sản phẩm tại diễn đàn. Ảnh: TTXVN 
Việt Nam cần nâng cao năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mà Samsung Việt Nam là một ví dụ thành công cần nhân rộng. Việt Nam cũng cần thu hút các nhà đầu tư trở thành đối tác quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, liên kết nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, giúp họ trở thành những nhà cung ứng đủ năng lực.
Ổn định - lợi thế so sánh nổi trội của Việt Nam
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những đóng góp của các chuyên gia giúp Chính phủ định hình chính sách và chiến lược phát triển đất nước không chỉ cho 5 năm, 10 năm tới mà còn xa hơn nữa. Nhanh và bền vững đã thực sự là những từ khóa quan trọng hàng đầu, là lựa chọn chiến lược và hành động xuyên suốt nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Đó cũng là một nguyên tắc của cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam nhất quán phát triển nhanh và bền vững ảnh 2 Thủ tướng và các đại biểu tham gia đối thoại chính sách. 
Thủ tướng nêu rõ, tại diễn đàn này, một lần nữa Chính phủ Việt Nam khẳng định có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng. “Điều này không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự đã trở thành quyết tâm hành động của Việt Nam, bởi tiềm năng của chúng tôi còn rất lớn và quan trọng hơn cả là gần 100 triệu người dân Việt Nam, bao gồm cả đồng bào ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng khát vọng mãnh liệt trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho rằng, trong những năm qua, dù tăng trưởng thương mại có phần chậm lại do các căng thẳng thương mại và cạnh tranh địa chính trị nhưng vẫn sẽ là động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới. Việt Nam vẫn luôn được đánh giá có môi trường chính trị, xã hội ổn định, cùng với nền tảng vĩ mô được củng cố vững chắc. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với nền kinh tế số sẽ là xu hướng lớn, mở ra cơ hội đuổi kịp các nước phát triển.
Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bắt kịp với dòng chảy chính của nền kinh tế số. “72% người dân đang sử dụng điện thoại thông minh, 70% thuê bao di động sử dụng 3G hoặc 4G, số người truy cập các trang thương mại điện tử thông qua điện thoại di động chiếm 72%... Đó là cơ sở để Việt Nam tự tin về khả năng chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số”, Thủ tướng nhấn mạnh. 
Thủ tướng cũng chia sẻ về những trọng tâm mà Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện trong năm 2019 và những năm tiếp theo, đó là quyết tâm giữ vững sự ổn định về chính trị xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc, đây là một lợi thế so sánh nổi trội của Việt Nam trong bối cảnh hệ kinh tế - chính trị thế giới đầy bất ổn như hiện nay.
Việt Nam cũng cam kết thúc đẩy mạnh mẽ các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên. Tiếp tục tăng tốc và tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Ưu tiên nhiều hơn cho khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích tư nhân đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển. Song song với đó, Chính phủ Việt Nam tập trung các giải pháp phát triển toàn diện, hài hòa giữa kinh tế - xã hội, môi trường, thích ứng với biển đổi khí hậu. “Trong mỗi bước đi trên hành trình đầy chông gai này, Việt Nam luôn mong có sự ủng hộ, đồng hành và đóng góp những ý kiến quý báu của bạn bè quốc tế, điều đó góp phần quan trọng cho sự phá triển kinh tế của Việt Nam”, Thủ tướng chốt lại.
Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019-2020: Vận hội mới - Yêu cầu mới” được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 17-1 tại Hà Nội. 
Đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô quý 4 và cả năm 2018, báo cáo của CIEM nhấn mạnh một số điểm sáng trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Theo đó, tổng thu ngân sách (NSNN) trong quý 4 ước đạt hơn 460.000 tỷ đồng và tính chung cả năm 2018 ước đạt hơn 1,42 triệu tỷ đồng, vượt gần 7,8% so với dự toán, tăng 10,4% so với năm 2017. Đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2019, nhóm nghiên cứu CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân là khoảng 3,88%. Nhìn thẳng vào những nhiệm vụ chưa hoàn thành sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và những yêu cầu mới trong bối cảnh thế giới chuyển đổi mạnh mẽ nhằm thích nghi với nền sản xuất mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo cáo nhận định, bên cạnh việc tiếp tục duy trì mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, phát triển các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế so sánh, cần chú trọng nâng cao các yếu tố của công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ công. 
ANH THƯ

Các tin khác