Việt Nam nghiêm túc thực thi mọi cam kết với WTO

Việt Nam nghiêm túc thực thi mọi cam kết đưa ra khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đang không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Việt Nam nghiêm túc thực thi mọi cam kết đưa ra khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đang không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp Rà soát Chính sách Thương mại (TPR) lần đầu tiên của Việt Nam trong WTO, diễn ra từ ngày 17 đến 19-9 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh bất chấp những khó khăn do khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu, các cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại đa phương vẫn mạnh mẽ, và hơn bao giờ hết Việt Nam mong muốn Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 tại Bali, Indonesia, vào tháng 12 tới sẽ thành công.

 Cơ sở đánh giá TPR của Việt Nam chủ yếu dựa trên báo cáo độc lập của Ban Thư ký WTO. Báo cáo chỉ ra rằng những cải cách chính trị và kinh tế đã đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế theo định hướng thị trường, hội nhập vào hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu.

 Dịch vụ, một trong những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, đã được tự do hóa thể hiện kết quả của quá trình tham gia WTO. Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc nâng cấp hệ thống viễn thông, cải thiện việc tiếp cận và khả năng chi trả các dịch vụ.

Dòng vốn FDI đã tăng gấp năm lần từ năm 2007 đến năm 2011. Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

 Báo cáo của Chính phủ Việt Nam xác định việc gia nhập WTO không phải là kết thúc của một quá trình, mà là một cơ sở mới nhằm tiếp tục cải cách trong nước. Nhiều nước châu Á và châu Âu đã công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam phù hợp với các quy định của WTO.

 Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam phải chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi với áp lực lạm phát gia tăng và sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, lạm phát trong năm 2012 đã được kiềm chế ở mức 6,81%, giảm đáng kể so với con số 11,75 % của năm 2010 và 18,13 % năm 2011.

 Trọng tâm trong chính sách của chính phủ Việt Nam là khuyến khích nghiên cứu và phát triển, mở rộng dịch vụ, tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận tín dụng tốt hơn và giảm rủi ro thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

 Mặc dù nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn vững mạnh và có nhiều tiến bộ, song Việt Nam cần chú ý cải cách cơ cấu một cách kịp thời, đặc biệt là trong giải quyết các rủi ro tài chính, cải thiện khuôn khổ hoạt động của ngành thương mại liên quan đến lĩnh vực điện lực, giao thông vận tải và tăng cường tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

 Chính phủ chủ trương đẩy nhanh cải cách ba lĩnh vực quan trọng là khu vực doanh nghiệp quốc doanh, hệ thống tài chính-ngân hàng và đầu tư công.

Thông qua những cải cách này, nền kinh tế Việt Nam sẽ được tái cấu trúc trong một mô hình tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2020, nâng cao hiệu quả, tăng cường hợp tác và khả năng cạnh tranh quốc tế để đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào loại hiện đại.

Các tin khác