Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế chia sẻ

(ĐTTCO).- Hội thảo “Kinh tế chia sẻ: Các xu hướng lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức ngày 12-7, tại Hà Nội. 
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế chia sẻ
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, kinh tế chia sẻ có hiệu ứng tích cực tới môi trường khi tiết kiệm được tài nguyên, giảm được việc sản xuất và tiêu dùng quá mức trong nền kinh tế. Việt Nam hiện đã hội tụ nhiều điều kiện chín muồi để phát triển kinh tế chia sẻ. Đó là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, thông tin và môi trường kinh doanh mở cửa, thông thoáng…
Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ có thể làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán, cũng như đặt ra nhiều vấn đề giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống; vấn đề thu thuế phát sinh từ hoạt động dịch vụ, vấn đề đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia.
Do đó, việc xây dựng các chính sách mới hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành để đạt mục tiêu phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực là hết sức cần thiết.
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, bản chất của kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Kinh tế chia sẻ đang nổi lên ở các nhóm nghề như dịch vụ vận tải (Uber, Grab…), dịch vụ du lịch và khách sạn (Airbnb, VRBO), dịch vụ lao động, việc làm, dịch vụ tài chính...
Doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp nền tảng ứng dụng kinh tế chia sẻ đạt 15 tỷ USD vào năm 2014 (theo Pwc, UK) và dự báo sẽ đạt đến 335 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này với  sự nở rộ của dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ. Theo khảo sát, cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh này và 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ. 
Trong bối cảnh đó, theo bà Tuệ Anh, để tận dụng cơ hội của kinh tế chia sẻ, cần nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh, đào tạo nhân lực, kết nối giữa các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Đặc biệt, cần đẩy nhanh việc thực hiện Chính phủ điện tử và cơ sở hạ tầng thông tin, nhất là xây dựng hệ thống dữ liệu mở, thông suốt để phục vụ quản lý nhà nước. 

Các tin khác