Việt Nam cần phải có sự đột phá trong chính sách kinh tế

(ĐTTCO)-Một sai lầm hay thiếu quyết tâm trong lựa chọn chính sách có thể khiến cả nền kinh tế phải trả giá bằng nhiều năm, nhiều thập kỷ và thậm chí có thể không bao giờ vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.
Việt Nam cần phải có sự đột phá trong chính sách kinh tế
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 khai mạc ngày hôm nay (27/6)  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những thành tựu Việt Nam đã đạt được từ giai đoạn Đổi mới đến nay, cũng cần nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế hiện nay. 

Thay đổi không rõ ràng

Kết quả của quá trình Đổi mới – năm 1986 được ghi nhận hết sức rõ rệt, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,4%/năm (từ năm 2000 đến nay) đồng thời tỷ lệ đói nghèo về dưới mức 3% (giảm rất nhiều so với mức 50% tại thời điểm đầu những năm 1990). 

Điểm mốc năm 2008, Việt Nam đã chính thức vượt qua mức GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bước vào ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, giáo sư Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách công Nhật Bản, với quá trình nghiên cứu về Việt Nam hơn 20 năm đã đưa ra quan điểm, cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện tại so với 20 năm trước có thay đổi, song nhìn kỹ lại không rõ.

Cụ thể trong hoạt động xuất khẩu, mặc dù nhóm hàng chế tạo - chế biến chiếm tỷ lệ lên tới 65% nhưng phần lớn lại xuất phát từ khu vực đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI). Các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu chủ yếu tại các ngành hàng dệt may, da giày, nông sản… song giá trị gia tăng không cao.

Điều này cho thấy, các nguồn lực bên ngoài đang đóng góp tỷ trọng lớn vào tốc độ tăng trưởng, mà không phải đến từ nội lực thực tại của nền kinh tế.
Đột phá chính sách

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, việc cần làm và làm ngay lúc này, là phải đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh, như nhân công lao động dồi dào, nhân công giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng, song chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm. Thêm vào đó, sự cạnh tranh về chi phí sản xuất thấp từ các quốc gia khác đang ngày càng gia tăng.

Đồng chí Trưởng ban Kinh tế cho rằng, để phát triển kinh tế thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam cần phải có sự đột phá trong chính sách.

Ông dẫn dắt lại quá trình phát triển của Nhật Bản, thời điểm những năm 1960, quốc gia này vươn lên từ “tro bụi” sau Thế Chiến II, với kế hoạch “tăng gấp đôi thu nhập trong vòng 10 năm.” Thời điểm đó, đây là một mục tiêu bị đánh giá là bất khả thi. Nhưng, Chính phủ của Thủ tướng Hayato Ikeda đã đưa ra các giải pháp chính sách đồng bộ, tập trung vào phát triển công nghiệp, thúc đẩy tự do hoá thương mại, đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và đặc biệt là giáo dục. Kết quả, kinh tế Nhật Bản đã tạo ra một giai đoạn “vàng,” với tăng trưởng GDP tăng gấp hai lần chỉ trong 6 năm.

Bẫy thu nhập trung bình

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), trong số 113 quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình (năm 1960), đến nay chỉ có 13 nước và vùng lãnh thổ vượt thành công bẫy thu nhập trung bình bước vào nhóm thu nhập cao, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… 

Bài toán đặt ra cho Việt Nam, những chính sách cần phải lựa chọn cho mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong trung và dài hạn, vượt bẫy thu nhập trung bình, sớm trở thành “một con hổ mới” trong khu vực châu Á. 

Đây cũng là một trong các nội dung trao đổi chính của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017. Hơn 400 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương và địa phương, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước… sẽ cùng trao đổi tìm một hướng đi phù hợp, tạo ra cú hích và động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam về cả chất và lượng.

Chủ đề của các phiên Hội thảo, bao gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô - Động lực phát triển; Phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả; Phát triển ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam, tầm nhìn 2035. 

Tại đây, các tham luận đã chỉ ra những điểm nghẽn, nút thắt và các giải pháp trung và dài hạn cho nền kinh tế, như Định vị kinh tế Việt Nam trong chuỗi cạnh tranh kinh tế toàn cầu, qua đó đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình; Nhận dạng và đánh giá những nguồn nội lực của đất nước, nhất là những nguồn lực chưa được phát huy đầy đủ; Đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và đề xuất những giải pháp. 

Từ đó, Diễn đàn sẽ đưa ra các đề xuất về chủ trương, chính sách đối với từng ngành, từng lĩnh vực then chốt để Việt Nam có thể phát huy nội lực, tiềm năng và thế mạnh.

Các tin khác