Vị đắng truyền thông

Sau khi báo đăng, và cũng nhân dịp kỷ niệm ngày tổ nghiệp 21-6, bạn đọc các giới đã chia sẻ, bày tỏ sự đồng cảm và góp nhiều ý kiến quý báu để những người làm báo chân chính giữ vững tay nghề, kỳ vọng báo giới luôn xứng đáng với sứ mệnh cao quý xã hội tôn vinh.

Nhân kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tại mục này ĐTTC có bài “Niềm vinh dự, mối ưu tư” (trang 1 ngày 20-6-2013) bày tỏ tâm trạng nhà báo trong môi trường tác nghiệp hiện nay; đồng thời nêu ra những bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí, đã làm xâm hại đến quyền và lợi ích của các cơ quan báo, nhà báo hoạt động hợp pháp và chân chính trước làn sóng bùng nổ các kênh thông tin điện tử hiện nay. Đây cũng là chủ đề mà các tờ báo uy tín liên tục đề cập, báo động và kiến nghị thời gian qua.

Sau khi báo đăng, và cũng nhân dịp kỷ niệm ngày tổ nghiệp 21-6, bạn đọc các giới đã chia sẻ, bày tỏ sự đồng cảm và góp nhiều ý kiến quý báu để những người làm báo chân chính giữ vững tay nghề, kỳ vọng báo giới luôn xứng đáng với sứ mệnh cao quý xã hội tôn vinh.

Điều bạn đọc phản ánh đầu tiên là hiện nay họ có cảm giác “bội thực” với số lượng các ấn phẩm và các kênh phát thanh-truyền hình. Với số liệu nêu trong bài báo trước, bạn đọc đặt vấn đề nước ta có cần từng ấy tờ báo và các kênh phát sóng. So với các nước phát triển và đông dân hàng đầu thế giới, số lượng đầu báo và các kênh báo nói nước ta đều vượt trội hẳn. Liệu ta có đủ nền tảng tài chính, cơ sở vật chất và kể cả nội lực chất xám để “nuôi” từng ấy cơ quan báo, chương trình truyền hình hay cứ cho ra đời rồi sống lây lất?

Một bất hợp lý khác là báo giấy chỉ xuất hiện, bày bán tràn lan ở các vùng thị tứ, các thành phố lớn, còn ở nông thôn hầu như mất hút, thiếu hẳn mảng văn hóa đọc. Còn kênh truyền hình ngoài chương trình thời sự, phần lớn thời lượng chỉ là các chương trình giải trí na ná nhau, các cuộc thi thố có thưởng và chiếu phim nước ngoài.

Đặc sản riêng từng đài và các chuyên mục có tính chuyên sâu, bổ ích cho các đối tượng khác nhau hầu như bỏ ngỏ. Có bạn đọc cay đắng phản ánh có nhiều tờ báo họ không dám mang về nhà, có những chương trình truyền hình phải cấm con xem vì chỉ khoe vóc dáng, sự sành điệu, chỉ muốn hơn người khác... Còn hàm lượng giáo dục kỹ năng, cách sống, hội nhập cộng đồng là một định lượng khiêm tốn.

Với sự bùng nổ số lượng các mạng xã hội và trang thông tin điện tử tổng hợp, chưa bao giờ tin tức lan truyền, đi nhanh như hiện nay. Và theo đó, chủ trang mạng là doanh nghiệp, cá nhân cũng lột xác trở thành nhà báo, cơ quan báo. Thậm chí xu hướng này còn lấn át các tờ báo chính thống do đưa nhanh các sự kiện, sự việc, không cần xác minh, kiểm chứng; thậm chí các trang mạng còn đưa tin bịa đặt, vu khống để lôi kéo bạn đọc, câu móc quảng cáo...

Thời gian qua các tờ báo uy tín đều đồng thanh lên tiếng về nạn “ăn cắp” bản quyền báo chí. Các trang mạng đã vô tư “cóp” tin bài các báo để lôi kéo người đọc vào các trang thông tin điện tử của mình, thu lợi bất chính, bất chấp các quy định của pháp luật. Báo ĐTTC cũng nếm vị đắng về vấn đề này.

“Siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như là một vụ án lớn liên quan đến nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán và ĐTTC đã cất công điều tra, có bài phản ánh đầu tiên. Ngay sau đó các trang mạng và một số báo điện tử đã cóp bài đăng lại, không dẫn nguồn, xem như của mình!

Trước những vấn đề nóng về kinh tế-xã hội hiện nay, chỉ có những tờ báo uy tín mới tiếp cận, phỏng vấn các chuyên gia uy tín đầu ngành, đề nghị kiến giải, đề xuất những giải pháp, nhằm ổn định vĩ mô, chống suy giảm kinh tế phục hồi đà tăng trưởng...

Khi các tờ báo chính thống đăng tải, liền sau đó trên các trang thông tin điện tử tổng hợp lại thấy các vị giáo sư tiến sĩ X, chuyên gia Y có tin bài tương tự hoặc y nguyên như các báo đăng trước đó. Tờ báo nào có nhiều chuyên gia góp ý, phản biện thì càng “oai”, có uy tín và các trang mạng đã làm được điều đó mà không tốn kém một sự đầu tư nào!

Thời gian gần đây loại hình thông tin di động tải trên máy điện thoại và máy tính bảng ra đời ào ạt, dễ sử dụng càng đẩy nhanh các ấn phẩm báo giấy vào chỗ... chết, do loại hình này là một phiên bản rút gọn tin tức không hề dẫn nguồn, không rõ chủ thể chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp biết kiện ai khi các thông tin tung ra không đúng sự thật, nhà báo biết kêu ai khi nguồn tin của mình bị xào nấu, sử dụng bất chấp tác quyền?

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, trước yêu cầu của nhiều nhà báo đề nghị xử lý hành vi các trang thông tin điện tử tổng hợp vi phạm về tác quyền báo chí, tung tin bịa đặt, gây bất an xã hội, một vị chức sắc đầu ngành đã trả lời bạn đọc hãy tỉnh táo, có suy xét, phải biết bảo vệ chính mình khi tiếp nhận thông tin các trang mạng đưa ra...

Điều này là đúng nhưng chưa đủ, không hóa giải được tình hình nhiễu loạn thông tin hiện nay. Dư luận đòi hỏi có sự tái cấu trúc trong lĩnh vực thông tin truyền thông, trả lại chức năng cao quý vốn có của nghề báo.

Các tin khác