VEPR: Dự báo tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2019 đạt 6,9%

(ĐTTCO)-Với sự bứt phá của ngành công nghiệp chế tác cùng đà phục hồi vững chắc tại các khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ, kinh tế Việt Nam năm 2018 tăng trưởng 7,08% và cao nhất trong 10 năm trở lại, các chuyên gia tại VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2019 sẽ đạt khoảng 6,9%.
VEPR: Dự báo tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2019 đạt 6,9%
Tuy nhiên, tại Sự kiện công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2018, do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR thực hiện, tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR vẫn phải nhấn mạnh, trong kết quả đạt được đó, khu vực đầu tư nước ngoài trực tiếp - FDI tiếp tục đóng góp chính vào tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Cụ thể trong thương mại quốc tế, khối ngoại xuất siêu khoảng 32,81 tỷ USD/năm 2018 và bằng gần 14%GDP.
 
Trong khu vực nội địa diễn biến chưa có nhiều khả quan, khi mà số doanh nghiệp thành lập và việc làm mới  không có nhiều biến chuyển so với năm 2017. Thêm vào đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại cao bất thường. Do vậy, ông Thành cho rằng, cần thiết phải đặt ra câu hỏi “đó là sự dịch chuyển cấu trúc kinh tế hay là những rủi ro nền tảng của nền kinh tế.”

Tuy nhiên, nhóm tác giả thực hiện Báo cáo của  VEPR cũng chỉ ra những điểm sáng trong năm, với chỉ số lạm phát quý 4 có dấu hiệu giảm nhờ sự quay đầu từ giá năng lượng. Theo đó, lạm phát bình quân là 3,54% và đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. 

Song với những diễn biến giá hàng hóa thế giới có sự trồi trụt thất thường như thời gian qua cùng với việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu trong nước (từ ngày 1/1/2019), các chuyên gia này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần theo dõi rủi ro lạm phát trong thời gian tới để có những biện pháp ứng phó phù hợp.
Một điển nhấn khác được nói đến trong Báo cáo, đó là cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đang tạo tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam.

Do đó, các chuyên gia thực hiện báo cáo tiếp tục kiến nghị, Việt Nam cần có chính sách tỷ giá phù hợp. Và như vậy, thương mại Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi nhiều hơn từ cuộc chiến này.

“Bên cạnh việc tiếp nhận nhiều đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc, những tác động lâu dài sẽ là tích cực, bởi chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc tới các nước láng giềng. Vì vậy, Việt Nam cần cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động để đón đầu cơ hội này,” ông Thành nói.

Song hành với cơ hội, ông Thành vẫn quan ngại về những thách thức mà Việt Nam gặp phải cũng không nhỏ. “Sòng phẳng mà nói, cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất, cũng như bất lợi về lợi thế quy mô như Trung Quốc, Ấn Độ.”

Tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế cũng chỉ ra những mối quan ngại về kinh tế Trung Quốc với mức tăng trưởng thương mại và đầu tư của nước này được dự kiến tiếp tục sụt giảm do căng thẳng thương mại với Mỹ trong thời gian tới. 

Hiện, chỉ số PMI của Trung Quốc đã giảm xuống dưới mốc 50, theo đó Ngân hàng trung ương của họ đã bắt đầu thực hiện nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế nội địa và mặc dù còn dư địa chính sách nhưng tất cả đang có chiều hướng xấu đi.

Các tin khác