VBF: Nhiều vướng mắc cũ chưa được giải quyết

(ĐTTCO)-Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017 với chủ đề “Cùng nhau tiến về phía trước - khu vực đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu” đã khai mạc sáng 16-6, tại Hà Nội.
 
DN nước ngoài lo ngại về tốc độ tăng lương tối thiểu hàng năm tại Việt Nam.
DN nước ngoài lo ngại về tốc độ tăng lương tối thiểu hàng năm tại Việt Nam.
Nghị định vẫn “chênh” với luật
Tại diễn đàn, nhiều kiến nghị cũ từ cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết. Trong số này có Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm và nhiều quy định cụ thể về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho lao động người nước ngoài; Thông tư 23/2015/TT-BKHCN về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng... 
Theo ông Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), các doanh nghiệp đều hiểu mục đích của quy định hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng kém chất lượng, nhưng việc hạn chế nhập khẩu theo số năm của máy móc, thiết bị là không phù hợp với thực tế. Trong khi đó, Nghị định 38/2012/NĐ-CP còn bị cho là có quy định trái với Luật An toàn thực phẩm, khi yêu cầu đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho cơ quan quản lý.
Trong số các kiến nghị mà các hiệp hội doanh nghiệp gửi tới VBF giữa kỳ 2017, đáng lưu ý là kiến nghị ban hành quy định pháp luật mới liên quan đến hoạt động kinh doanh và phân phối của nhà đầu tư nước ngoài, thay cho Nghị định 23/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thương mại không còn phù hợp; đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa chế độ kế toán Việt Nam với tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế; mở rộng diện doanh nghiệp thực hiện quy định về báo cáo và kiểm toán bắt buộc theo chế độ kiểm toán Việt Nam; ban hành danh mục dự án bất động sản không cho phép nước ngoài sở hữu.
Là đồng Chủ tịch Liên minh VBF năm 2017, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề cập đến một vấn đề không mới: “Những tìm hiểu và khảo sát của chúng tôi chỉ ra rằng, có 3 nguyên nhân chủ yếu tạo ra khoảng cách giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Vấn đề thứ nhất là chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo, từ đó dẫn đến vấn đề thứ hai là trình độ công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài và vấn đề thứ ba là về khoảng cách địa lý”.
Người đứng đầu VCCI kiến nghị, để thu hẹp trình độ của doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp FDI, cần có sự gắn kết chặt chẽ và sự chia sẻ công nghệ, không có sự giấu giếm và tận tâm trong việc chuyển giao công nghệ; xây dựng chuỗi giá trị cung ứng, có sự hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
Xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất dành cho doanh nghiệp nước ngoài; đồng thời, cũng cần có quy hoạch trong việc xây dựng khu công nghiệp và thể chế dành cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng những yếu tố tạo ra kết nối giữa các khu công nghiệp này.
Lo ngại về lương tối thiểu, vi phạm bản quyền
Ông Karashima bày tỏ lo ngại về tốc độ tăng lương tối thiểu hàng năm tại Việt Nam. “Hiện tại, mức lương tối thiểu của Việt Nam (ở khu vực 1) cao hơn mức lương ở lĩnh vực công nghiệp chính của Philippines; trong khi Malaysia và Thái Lan đã hạn chế tăng lương tối thiểu”, ông Hiroshi Karashima nói.
Theo tính toán của Chủ tịch JBAV, nếu tính cả chi phí về phúc lợi xã hội và công đoàn thì chi phí lao động ở Việt Nam ngang bằng với chi phí lao động ở Thái Lan. “Với tốc độ tăng nhanh như vậy, chúng tôi lo ngại Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng. Tôi cho rằng, cần xác định mức tăng lương tối thiểu thích hợp hàng năm dựa trên mức tăng CPI”, ông Karashima nhận định.
Đại diện JBAV cũng tiếp tục đề nghị cải thiện các quy định liên quan đến việc cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia về doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các ngành công nghiệp phụ trợ.
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, như các quy định thân thiện môi trường, chính sách năng lượng, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo hộ quyền sở hữu…
“Chính phủ Việt Nam đảm bảo người vi phạm tên thương mại và bản quyền phải chịu các biện pháp cảnh cáo và xử lý mạnh mẽ về mặt pháp lý khi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả vi phạm qua Internet và đảm bảo ban hành quyết định yêu cầu tạm dừng hay ngừng hành động vi phạm ngay lập tức.
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cần chủ động khuyến khích tòa án thực thi các phán quyết của trọng tài quốc tế và trong nước. Đặc biệt, các tỉnh và thành phố đang có sự cạnh tranh với nhau trong việc thu hút đầu tư, nên mở cửa và minh bạch nhất có thể, phối hợp với Trung ương để đảm bảo nhà đầu tư có dự án tại các tỉnh khác nhau được hưởng các điều kiện giống nhau”, ông Tomaso Andreatta nói.

Các tin khác