Vẫn lo tái cơ cấu DNNN

Trước đó, báo cáo về vấn đề này tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đưa ra nhiều nhận định khá lạc quan. Trong đó, đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đến nay đa số đề án tái cơ cấu của tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc hôm nay 10-10, một trong những nội dung được quan tâm là UBTVQH sẽ cho ý kiến về kết quả thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Trước đó, báo cáo về vấn đề này tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đưa ra nhiều nhận định khá lạc quan. Trong đó, đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đến nay đa số đề án tái cơ cấu của tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quan điểm về tái cơ cấu nhận được sự đồng thuận và quyết tâm cao từ phía các đối tượng sẽ thực hiện tái cơ cấu. Thế nhưng, nếu nhìn vào những thông tin được công bố mới đây về quản trị nhân lực và tài chính ở một số TĐ, TCT lớn, có thể thấy những thách thức trong tái cơ cấu DNNN chưa hề vơi đi.

Tại một diễn đàn kinh tế gần đây, ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐTV TĐ Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho biết hiện TKV có khoảng 140.000 lao động, nếu thực hiện tái cơ cấu sẽ có khoảng 40.000-50.000 lao động dôi dư. Như vậy có thể hiểu rằng TKV đang phải gánh  khoản lao động dôi dư này và phải trừ lương.

Tính sơ bộ, với mức lương bình quân 7,2 triệu đồng/người/tháng, mỗi năm TKV đang lãng phí trên 3.400 tỷ đồng cho những lao động không thật sự hiệu quả. Và cũng chính gồng khoản phí này đưa vào giá than, TKV liên tục kêu giá bán than cho ngành điện thấp nên phải chịu lỗ.

Đầu tuần này, thông tin về kết quả thanh tra ở TĐ Điện lực Việt Nam (EVN) càng làm sáng rõ sự tù mù trong quản lý tài chính ở các “ông lớn”, mà gánh chịu hậu quả chính là người tiêu dùng. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khi đầu tư 6 dự án nguồn điện, EVN đã tính nhiều khoản chi phí vô lý vào giá bán điện cho người dân.

Cụ thể, 6 dự án này của EVN đã dùng 355.000m2 đất để xây nhà ở cho cán bộ, nhân viên. Trong số này, có cả biệt thự đơn lập, song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, bể bơi, sân tennis... Tổng chi phí của những khoản mục này gần 600 tỷ đồng, được hạch toán vào khoản mục "khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa". Theo Thanh tra Chính phủ, việc hạch toán này không đúng quy định.

Bên cạnh đó, theo quy định EVN chỉ được mua ô tô 2 cầu, giá tối đa 1,04 tỷ đồng/xe, nhưng thanh tra phát hiện tập đoàn này đã mua 2 xe Toyota Land Cruiser với giá hơn 2,5 tỷ đồng/chiếc và được tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh chung.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy không chỉ những khoản xây dựng hàng trăm tỷ đồng bất hợp lý trên, mà việc gánh lỗ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng được đơn vị xem như yếu tố để tăng giá điện. Riêng năm 2011, EVN chịu lỗ hơn 2.100 tỷ đồng thay cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt thép, xi măng, trong đó có không ít doanh nghiệp FDI.

Những trường hợp trên là thí dụ cho thấy để tái cơ cấu DNNN, bên cạnh lộ trình yêu cầu đến năm 2015 các TĐ, TCT phải thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành, cần có bước đi đột phá về thể chế quản lý đối với khu vực kinh tế này. Thực tế DNNN có nhiều lợi thế, đặc quyền, trong đó đáng chú ý là không phải chịu sự chi phối của nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”.

Như thế mới có chuyện nhìn thấy rõ 40.000-50.000 lao động không hiệu quả nhưng không dám cắt giảm; rồi đưa vào giá than hay cố tình đưa cả chi phí mua sắm xe sang, biệt thự vào giá điện để bán cho dân. Nếu là doanh nghiệp tư nhân, liệu họ có dám quản trị nhân lực hay tài chính như vậy?

Nay chúng ta đã quyết tâm tái cơ cấu DNNN, nguyên tắc đầu tiên là phải áp đặt kỷ luật thị trường đối với DNNN. Tất nhiên, việc áp đặt kỷ luật thị trường cạnh tranh bằng cách loại bỏ các đặc quyền, lợi thế của TĐ, TCT không dễ dàng, không thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Nhưng đây là việc cần sớm thống nhất về tư duy và nhận thức.

Thực trạng nhức nhối trên cho thấy đã đến lúc cần quyết liệt hơn đối với việc cổ phần hóa DNNN, trong đó Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần thiểu số. Đây là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để áp đặt kỷ luật thị trường cạnh tranh đối với DNNN.

Thực tế, sau khi cổ phần hóa, trong đó Nhà nước không tiếp tục nắm giữ cổ phần hoặc chỉ nắm phần thiểu số, doanh nghiệp được cổ phần hóa phải hoạt động và được quản trị hoàn toàn giống doanh nghiệp tư nhân.

Các tin khác