UBTVQH: Nhìn nhận thật khách quan những khó khăn, thuận lợi

Trong phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm.

Hôm qua, 30-6, phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ảnh) tiếp tục diễn ra với nội dung xem xét các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước.

Trong phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về vấn đề này nhận định, tình hình kinh tế - xã hội những tháng gần đây đã có một số chuyển biến tích cực. Cụ thể, thị trường ngoại hối và tỷ giá khá ổn định, nhu cầu ngoại tệ chính đáng của các doanh nghiệp và người dân cơ bản được bảo đảm, dự trữ ngoại hối thực tế của nhà nước tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng gần đây đã có xu hướng giảm; xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch. Tỷ lệ nhập siêu tháng 6 đã có dấu hiệu giảm bớt. Mặc dù điều kiện sản xuất kinh doanh không thuận lợi, nhưng thu ngân sách nhà nước đạt khá cao (55,1% so với dự toán), các chương trình an sinh xã hội tiếp tục được triển khai tích cực.

Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, bản Báo cáo cũng đã thể hiện quan điểm thận trọng: “Tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm còn không ít khó khăn thách thức, cần được phân tích kỹ, đánh giá để tập trung chỉ đạo sát sao hơn”. Đơn cử, CPI vẫn còn ở mức rất cao, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Nguồn vốn ngân hàng có lãi suất cao và khó tiếp cận, khiến cho một bộ phận đáng kể doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. “Hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu bị đình trên kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011 và năm 2012”, Ủy ban Kinh tế cảnh báo.

Trong khi đó, nhập siêu 6 tháng đầu năm đạt 15,7% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu cả năm, nhưng chưa có tính bền vững. Năm tháng đầu năm, nhóm hàng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy nguyên chiếc có lượng nhập khẩu tăng khoảng 70%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: “Nếu giá dầu thô vẫn ở mức xấp xỉ 100 USD/ thùng thì sắp tới tiếp tục phải điều chỉnh giá xăng dầu”.

Giải trình thêm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về diễn biến phức tạp của giá cả trên thị trường thế giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: “Đáng lo ngại nhất là nhóm hàng hóa nguyên nhiên vật liệu, nhất là xăng dầu. Nhiều tháng nay dầu thô giữ mức giá cao, trên 100 USD/thùng; gần đây có hạ, nhưng lại có nghịch lý là tuy dầu thô hạ, nhưng giá dầu tinh vẫn đắt đỏ. Nếu giá dầu thô tiếp tục ở vào khoảng 97 – 100 USD/ thùng thì chúng ta sẽ phải tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu. Trong khi đó, ngành điện cũng đang lỗ lớn. Phải đến năm 2013 giá điện mới có thể đi theo giá thị trường”. 

Cắt giảm đầu tư công là một chủ trương đúng đắn, nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Đến hết tháng 5, nhiều bộ ngành, địa phương vẫn chưa có số liệu bổ sung, hoàn chỉnh; mặc dù thời hạn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ là tháng 3.

Cơ quan chức năng cũng chỉ mới tổng hợp báo cáo của 23 đơn vị so với hơn 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Đáng lưu ý, những hướng dẫn không rõ ràng, thiếu kịp thời về cắt giảm đầu tư công đã gây ra không ít trở ngại cho quá trình triển khai thực hiện. “Từ khi các đoàn công tác Chính phủ đi làm việc với các địa phương đến nay cũng đã 2 tháng, nhưng cũng chưa có ý kiến chính thức, nên một số địa phương vẫn đang trong tình trạng chờ đợi.

Ngoài ra, một số công trình khởi công từ đầu năm 2011 - trước ngày ban hành NQ 11 của CP - có khối lượng thực hiện khá lớn, nhưng vì là công trình khởi công mới nên không thể giải ngân được, trong đó có một số dự án giá trị không cao, nhưng lại có ý nghĩa hoàn thiện tổng dự án để đưa công trình vào sử dụng hoặc giải quyết nhu cầu bức xúc ở địa phương” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nêu rõ.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo về cân đối ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về vấn đề này. Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 327.800 tỷ đồng; tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2010.

Tổng chi ngân sách ước đạt 355.600 tỷ đồng, bằng 49% dự toán năm. Bội chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước khoảng 27.700 tỷ đồng, bằng 23% mức bội chi ngân sách nhà nước cả năm và là mức thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây. 

Nhìn chung, thu ngân sách đạt khá, đáp ứng được các nhiệm vụ chi theo dự toán cũng như các khoản chi phát sinh. Công tác điều hành chính sách tài khóa cơ bản đã quán triệt nghiêm túc chủ trương thắt chặt chi tiêu.

Mặc dù vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trên thực tế nỗ lực thắt chặt đầu tư công và tiết kiệm 10% kinh phí chi thường xuyên chưa lớn, còn nhiều khoản đã có trong dự toán nhưng chưa chi hoặc chưa đủ điều kiện để chi; khả năng giảm bội chi chủ yếu sẽ trông chờ từ yếu tố tăng thu ngân sách nhà nước... 

* Chiều cùng ngày, UBTVQH đã xem xét Tờ trình của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về việc đề nghị thành lập Viện Kiểm sát quân sự thủ đô Hà Nội và thông qua dự án Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cuối buổi chiều, phiên họp thứ 41 của UBTVQH đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự dự kiến.

Các tin khác