UB TCNS tán thành thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

(ĐTTCO)-Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là địa phương có đóng góp số thu NSNN trên địa bàn cao nhất cả nước (khoảng 28%), tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về NSTW là 82%.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ảnh: quochoi
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ảnh: quochoi

Sáng 14-11, thẩm tra Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là địa phương có đóng góp số thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn cao nhất cả nước (khoảng 28%), tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương (NSTW) là 82%.

Tuy nhiên, hiện nay Thành phố đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường, chưa có cơ chế, chính sách đột phá mạnh mẽ để phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, là đô thị đặc biệt có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của cả nước và khu vực.

Đây là trách nhiệm chung của cả nước đối với sự phát triển của Thành phố và cũng là trách nhiệm của Thành phố với cả nước nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 và Kết luận số 21-KL/TW ngày 24-10-2017 của Bộ Chính trị.

Đề nghị thông qua Nghị quyết tại kỳ họp này

Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết và xin nhấn mạnh một số quan điểm và nguyên tắc trong việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố.

Cụ thể, phải bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia k‎ý kết; không gây ảnh hưởng lớn đến cân đối và vai trò chủ đạo của NSTW theo quy định của Hiến pháp năm 2013; đảm bảo kiểm soát mức tăng bội chi NSNN và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.

Chỉ quy định một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành; thực hiện việc phân cấp mạnh hơn cho HĐND Thành phố trong việc quản lý đất đai, quyết định chủ trương đầu tư các dự án có quy mô lớn, quyết định ban hành các loại phí, lệ phí ngoài danh mục theo luật định.

Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định tương đối và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh, chỉ số cạnh tranh của Thành phố; góp phần tăng mức độ đóng góp của Thành phố đến sự phát triển của cả nước nói chung.

Ủy ban TCNS đề nghị xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố tại một kỳ họp, vì nội dung của Nghị quyết đã được Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến và Quốc hội đồng ý đưa vào Chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV để xem xét, quyết định.

Tờ trình của Chính phủ cũng đã bao gồm đầy đủ các nội dung về đánh giá tác động của chính sách đến việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị và tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thẩm tra của Ủy ban TCNS cũng đã đi vào các vấn đề cụ thể. Về quản lý đất đai, Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, theo đó giao thẩm quyền cho HĐND Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên.

Tuy nhiên, đề nghị cần quy định trong Nghị quyết này nguyên tắc việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa phải theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Với quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, về việc thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản và thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, để bảo đảm về thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định các chính sách về thuế theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Ủy ban TCNS đề nghị đối với việc thí điểm thuế tài sản: đây là sắc thuế mới, thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và đã được định hướng trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, do vậy đề nghị trên cơ sở báo cáo của HĐND Thành phố, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định áp dụng thuế tài sản thí điểm trước tiên thực hiện tại Thành phố. Trước mắt nghiên cứu tập trung thuế tài sản đối với nhà, đất.

Đề nghị cân nhắc cho phép điều chỉnh tăng thuế suất của tất cả sắc thuế

Đối với thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất cao hơn so với quy định của các sắc thuế hiện hành, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, nhưng đề nghị Chính phủ cân nhắc cho phép điều chỉnh tăng thuế suất của tất cả sắc thuế (trừ thuế xuất nhập khẩu) mà chỉ nên tăng thuế suất ở một số sắc thuế hoặc mở rộng cơ sở thuế đối với một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân và có tính đến mức thu nhập của người dân đô thị (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên nước…).

Cùng với đó, cần nghiên cứu thận trọng việc điều chỉnh tăng mức thuế ở một số sắc thuế có tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh và môi trường đầu tư của Thành phố (như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…). Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần quy định mức trần tăng thuế suất của một số sắc thuế để bảo đảm tính khả thi và sự kiểm soát của nhà nước.

Về phí, lệ phí mới chưa có trong danh mục của Luật phí và lệ phí và tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí so với mức thu trong danh mục Luật phí và lệ phí quy định, Ủy ban TCNS cho rằng, để bảo đảm cơ chế chính sách vượt trội cho Thành phố, đề nghị quy định trong Nghị quyết này phân cấp theo hướng giao thẩm quyền cho HĐND Thành phố quyết định thí điểm đối với các khoản phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí và quyết định điều chỉnh tăng mức hoặc tỷ lệ thu so với mức thu theo quy định hiện hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Về việc giao HĐND Thành phố quyết định dự toán ngân sách Thành phố, phân bổ ngân sách cấp mình bảo đảm phù hợp với các định hướng phát triển các lĩnh vực của Chính phủ, Quốc hội căn cứ dự toán NSNN hằng năm do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban TCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc cần tạo sự chủ động hơn cho chính quyền Thành phố trong việc xem xét, quyết định dự toán ngân sách hàng năm nhưng vẫn phù hợp với định hướng phát triển các lĩnh vực quan trọng của Chính phủ, Quốc hội.

Tuy nhiên, đề nghị Thành phố cần ưu tiên cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ. Có ý kiến đề nghị cho phép Thành phố quyết định dự toán ngân sách hàng năm nhưng trong trung hạn 5 năm phải đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Về việc cho phép Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho Thành phố vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp (khoản 5), Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần cân nhắc đến mặt bằng bội chi chung của ngân sách địa phương trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP) để không làm ảnh hưởng lớn đến khả năng vay vốn của các địa phương khác, trong đó thủ đô Hà Nội (mức dư nợ là 70%) và ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được thành lập (mức dư nợ dự kiến 70%).

Về đề nghị cho phép Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ NSTW tương ứng 70% số tăng thu NSTW từ các khoản thu phân chia giữa NSTW và ngân sách Thành phố và số tăng thu từ các khoản thu NSTW hưởng 100%...,để bảo đảm nguồn lực cho Thành phố thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và bảo đảm căn cứ pháp lý để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phân bổ nguồn tăng thu NSTW hàng năm cho Thành phố, Ủy ban TCNS nhất trí với Dự thảo Nghị quyết.

Về việc ngân sách Thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước..., Ủy ban TCNS cho rằng, khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn liền với đất sau khi trừ đi chi phí di dời, xây dựng trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố thì Thành phố được hưởng 50% là phù hợp, do đó nhất trí với Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần đánh giá chung về mặt số lượng và giá trị (nhà, đất), về tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố đang quản lý, sử dụng và tình hình sắp xếp đối mới các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố.

Về việc cho phép ngân sách Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu, Ủy ban TCNS nhất trí cho phép Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn như Tờ trình của Chính phủ.  

Riêng về số tiền 18.800 tỷ đồng đầu tư cho dự án chống ngập và 2 dự án bệnh tuyến cuối thuộc nguồn vốn do NSTW đảm bảo thì đa số ý kiến cho rằng, số thu từ cổ phần hóa phụ thuộc vào tình hình của thị trường, khó xác định trong tương lai, song các dự án này là dự án cấp bách, cần thiết đã được Quốc hội quyết định bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Do đó, đề nghị NSTW bố trí đủ 18.800 tỷ đồng cho Thành phố để thực hiện các dự án này theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội quyết định.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị trong điều kiện áp lực cân đối NSTW khó khăn, dự báo có thể tiếp tục giảm, nên nhất trí với đề nghị của Chính phủ không bổ sung từ NSTW cho Thành phố 18.800 tỷ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Chỉ bổ sung mức thu nhập tăng thêm

Về việc cho phép Thành phố huy động theo phương thức PPP hoặc vay để hoàn thành các dự án do Trung ương tài trợ một phần hoặc toàn bộ song chưa bố trí được vốn, Trung ương sẽ hoàn trả sau, Ủy ban TCNS nhất trí với tờ trình của Chính phủ nhằm hoàn thành dự án đúng tiến độ, phát huy tối đa hiệu quả của các dự án trong trường hợp nguồn lực của NSTW đã được bố trí trong trung và dài hạn chưa đảm bảo để thực hiện và được coi như một khoản tạm ứng, được NSTW hoàn trả khi có nguồn.

Song đề nghị cần quy định rõ hơn về phạm vi dự án, chỉ tập trung một số dự án hạ tầng kinh tế thiết yếu, đặc biệt quan trọng và thời hạn NSTW phải hoàn trả, khoản lãi vay (nếu có) do ngân sách Thành phố hay NSTW phải chi trả.

Đồng thời, làm rõ hơn căn cứ pháp lý trong việc sử dụng ngân sách địa phương để tạm ứng thực hiện nhiệm vụ của NSTW và thẩm quyền ký kết hợp tác công - tư của Thành phố đối với dự án thuộc thẩm quyền của Trung ương.

Về việc cho phép HĐND Thành phố quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của Thành phố, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, song để thống nhất và tránh tạo sự bất bình đẳng trong chính sách trả lương, Ủy ban đề nghị đối với công chức, viên chức trong cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ bổ sung mức thu nhập tăng thêm (khoản tăng thêm so với mức lương cơ bản) theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc và quy định nguyên tắc, tiêu chí về mức thu nhập tăng thêm, còn mức lương cơ bản giữ nguyên như chính sách chung của cả nước.

Như vậy, vẫn đảm bảo được thu nhập của cán bộ có năng lực và vẫn đảm bảo được sự công bằng trong chính sách lương áp dụng trên cả nước.

Ủy ban đề nghị Thành phố chủ động tổ chức bộ máy, sắp xếp biên chế phù hợp với đặc điểm của Thành phố và tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Để bảo đảm khi Nghị quyết này hết hiệu lực sau 5 năm thực hiện, Ủy ban đề nghị bổ sung nội dung Chính phủ báo cáo Quốc hội sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2020, báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm”.

Điều chỉnh lại thời hạn hiệu lực của Nghị quyết từ ngày 15-1-2018 thay vì ngày 1-1-2018 để đảm bảo hiệu lực của văn bản pháp luật sau 45 ngày kể từ ngày thông qua theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các tin khác