Từ ưu đãi sang đồng hành

“Chưa lấp đầy thì tạm dừng thành lập mới” - quan điểm này của Chính phủ về định hướng phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) đã được nhấn mạnh tại hội nghị do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức cuối tuần trước.

“Chưa lấp đầy thì tạm dừng thành lập mới” - quan điểm này của Chính phủ về định hướng phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) đã được nhấn mạnh tại hội nghị do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức cuối tuần trước.

Theo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, số lượng KCN, KCX tăng mạnh trong 20 năm qua, nhưng chất lượng và hiệu quả mang lại chưa xứng với tiềm năng.

Tính đến tháng 12-2011, cả nước có 283 KCN với tổng diện tích lên đến 76.000ha, trong đó có 180 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng các KCN lên tới trên 9,5 tỷ USD. Tỷ lệ lấp đầy các KCN, KCX mới đạt khoảng 65%, còn khoảng 10.000ha chưa có nhà đầu tư thuê.

Không thể phủ nhận những thành quả, đóng góp to lớn của các KCN, KCX đối với quá trình phát triển đất nước trong những năm qua. Một trong những yêu cầu then chốt của quá trình công nghiệp hóa đất nước là xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Và các KCN, KCX có thể được coi là một trong những điểm đột phá. Trong 20 năm qua, với các chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và thủ tục hành chính, các KCN, KCX đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài.

Tính đến cuối tháng 12-2011, các KCN, KCX đã thu hút được 4.113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 59,6 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 27 tỷ USD, bằng 45% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nguồn vốn đầu tư trong nước vào các KCN, KCX đạt khoảng trên 20 tỷ USD. Qua đó, các KCN, KCX đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, là một mô hình mang tính đặc thù vừa triển khai vừa điều chỉnh, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế theo từng giai đoạn phát triển, các KCN, KCX vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế. Đó là có quá ít các dự án lớn, xứng tầm hoặc các ngành có hàm lượng công nghệ cao; môi trường đầu tư thiếu thông thoáng, chất lượng lao động thấp, thủ tục đầu tư còn rườm rà...

Những rào cản này khiến KCN, KCX phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng. Chất lượng công tác xây dựng quy hoạch KCN chưa tốt, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa tính tới yếu tố liên kết vùng và ngành. Trong khi đó, việc triển khai quy hoạch KCN, KCX đã được duyệt của các địa phương còn nhiều bất cập.

Thực tế các địa phương đua nhau thành lập KCN không theo quy hoạch và khả năng thu hút đầu tư kém, gây lãng phí, đã được báo ĐTTC đề cập nhiều lần. Nguyên nhân tình trạng này là do tư duy quy hoạch còn mang tính cục bộ, địa phương, chỉ chú trọng lợi ích địa phương theo tư duy nhiệm kỳ, chưa tính toán đúng mức tới lợi ích vùng, quốc gia.

Định hướng của Chính phủ trong thời gian tới là phát triển các KCN đảm bảo hình thành hệ thống các KCN nòng cốt có vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia. Trước mắt, hợp tác với các đối tác chiến lược có trình độ phát triển công nghệ tiên tiến, thí điểm xây dựng một số KCN chuyên sâu để thu hút vốn đầu tư, công nghệ phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn mà Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt ưu tiên các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Định hướng như vậy, nhưng để thực hiện được không phải là điều dễ dàng. Hiện nay, các nhà đầu tư ngại vào KCN, KCX là do chính sách về thuế, đất, điện nước… không còn ưu đãi như giai đoạn trước. Một số nước khác có chính sách ưu đãi hơn nên dòng vốn FDI và các dự án lớn đang có xu hướng dịch chuyển sang những quốc gia này.

Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và đang đàm phán gia nhập các khu vực mậu dịch tự do nên dư địa ưu đãi không còn nhiều. Chính vì thế, để tăng cường thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư tại các KCN, KCX, giải pháp hàng đầu trong thời gian tới là chính quyền các địa phương cần “thở cùng hơi thở doanh nghiệp”, nghĩa là đi cùng họ để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng “môi trường đầu tư bây giờ không chỉ là ưu đãi thuế, mà còn là thủ tục hành chính”. Chính phủ đang nghiên cứu thành lập một ban chỉ đạo cấp trung ương để kịp thời xử lý những vướng mắc trong hoạt động tại các KCN, KCX để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư trong định hướng thu hút đầu tư.

Điều quan trọng là phải có sự thay đổi tư duy của các nhà quản lý tại địa phương, bởi không ai có thể sâu sát với các nhà đầu tư bằng họ.

Các tin khác