Trục lợi vì lợi ích nhóm?

Hai sự kiện dồn dập về hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 4 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, trong đó có Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho thấy hoạt động của một số doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty, tồn tại quá nhiều bất cập, vô lý mà cuối cùng người tiêu dùng và toàn xã hội phải gánh chịu.

Đầu tiên là chuyện lỗ, lãi. Từ trước đến nay, EVN và các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối đều luôn kêu lỗ do phải bán hàng giá thấp để thực hiện mục tiêu bình ổn giá. Nhưng các kết quả kiểm tra, kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Bộ Tài chính lại đưa ra một hình ảnh trái ngược.

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính đối với 4 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, điểm chung trong đó là việc các doanh nghiệp “phóng tay” chi hoa hồng mạnh cho các tổng đại lý, đại lý, rồi kêu lỗ, gây sức ép tăng giá bán lẻ, kể cả thời điểm giá xăng dầu thế giới đang xuống.

Các đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính nhận định “nếu doanh nghiệp thực hiện theo mức chi phí kinh doanh (600 đồng/lít, kg) để tính giá cơ sở, hoạt động kinh doanh xăng dầu đều có lãi!

Chưa hết, dường như “cảm thấy” việc cạnh tranh bằng chi hoa hồng cho đại lý chưa đủ, tổng công ty chiếm đến hơn 50% thị phần xăng dầu cả nước là Petrolimex còn mạnh tay trong cả việc bán hàng dưới giá vốn với số tiền lên tới 847 tỷ đồng và sau khi trừ lỗ do chênh lệch tỷ giá, chi phí kinh doanh vượt định mức, con số này còn trên 111,8 tỷ đồng.

Lý do được Petrolimex đưa ra cho việc bán thấp hơn giá vốn là để bình ổn giá - một giải thích khó chấp nhận vì chẳng doanh nghiệp nào lại thích bán hàng dưới giá vốn cho đối tác để chấp nhận thua lỗ?

Dù đợt kiểm tra vừa qua chỉ tiến hành với 4 (trong 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu), nhưng việc chạy đua tăng mức chiết khấu cho các tổng đại lý, đại lý, đã cho thấy phần nào mảng nổi của cơn “sóng ngầm” trong việc cạnh tranh giành giật đại lý của các doanh nghiệp xăng dầu.

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao doanh nghiệp đầu mối kêu lỗ nhưng sẵn sàng mạnh tay trong chi hoa hồng? Phải chăng đằng sau đó là hiện tượng chuyển giá để công ty mẹ lỗ, con lãi? Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp đầu mối chỉ có lợi.

Thứ nhất, nếu lỗ doanh nghiệp sẽ không phải nộp thuế. Thứ hai, những khoản lợi nhuận lớn sẽ được “đổ ngược” lại công ty mẹ hay một số tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan? Và như vậy chỉ có Nhà nước, đặc biệt người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt thòi.

Cú sốc tiếp theo với dư luận những ngày gần đây là hoạt động kinh doanh, lương của ngành điện, mà đỉnh điểm là việc tăng giá điện từ ngày 20-12. Theo KTNN, năm 2010 số lỗ trong sản xuất, kinh doanh điện là 10.500 tỷ đồng nhưng do một số lĩnh vực có lãi nên lỗ cả năm trên 8.400 tỷ đồng.

Các chỉ số hoạt động kinh doanh của EVN cũng đáng lo ngại: Đến 31-12-2010, nợ phải trả là 239.761 tỷ đồng (trong đó nợ ngắn hạn gần 65.500 tỷ đồng); tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn chiếm 79,3%; đầu tư tài chính dài hạn gần 50.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu được chỉ 541 tỷ đồng (tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư bằng 1,08%).

Kết quả sản xuất, kinh doanh “u ám” như vậy nhưng lương của EVN vẫn “khủng”. Thu nhập bình quân của CBCNV toàn tập đoàn năm 2010 là 13,7 triệu đồng/tháng nhưng bình quân khối văn phòng công ty mẹ lên đến 30 triệu đồng/tháng. Theo KTNN, việc phân phối tiền lương như vậy chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các đơn vị.

Những tồn tại, bất hợp lý nêu trên ở các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, ở EVN đang cho thấy một thực trạng: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước này thật đáng lo ngại. Việc quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước, nhất là những tập đoàn, tổng công ty thời gian qua khá lỏng lẻo, dù có rất nhiều cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Bên cạnh đó, khả năng điều hành của người đứng đầu doanh nghiệp cũng như việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu khi doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả còn chưa rõ và rất nhiều hạn chế.

Đã đến lúc phải có biện pháp chấn chỉnh, xử lý quyết liệt những bất hợp lý nêu trên ở các doanh nghiệp xăng dầu, EVN nói riêng, doanh nghiệp nhà nước nói chung, trả lại sự minh bạch, công bằng cho xã hội và người dân.

Các tin khác