Tránh chồng chéo giữa các luật

LTS: Ngay sau khi ĐTTC đăng tải thời luận “Công khai, minh bạch trong đấu thầu”, đề cập đến dự án Luật Đấu thầu sửa đổi vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tòa soạn đã nhận được ý kiến của Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Hùng, liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, trong đó bao gồm cả Luật Đấu thầu.

LTS: Ngay sau khi ĐTTC đăng tải thời luận “Công khai, minh bạch trong đấu thầu”, đề cập đến dự án Luật Đấu thầu sửa đổi vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tòa soạn đã nhận được ý kiến của Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Hùng, liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, trong đó bao gồm cả Luật Đấu thầu.

Sửa luật phải rà soát các văn bản liên quan

Chương trình Xây dựng Pháp luật năm 2013 và nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, có nhiều luật sửa đổi bổ sung và xây dựng mới liên quan đến quá trình quản lý dự án đầu tư xây dựng, như sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị…

Đồng thời xây dựng những luật mới như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công. Các luật này phạm vi điều chỉnh liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến khi đưa vào vận hành sử dụng. Làm thế nào để không xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các luật này là một điều đáng bàn.

Theo báo cáo đề án đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng, nguyên nhân quan trọng gây thất thoát lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp, chất lượng còn nhiều sai phạm, đầu tư dàn trải, thời gian xây dựng kéo dài… là do cơ chế quản lý đầu tư xây dựng hiện hành đang bộc lộ nhiều hạn chế bất cập.

Tình trạng thiếu đồng nhất, không đồng bộ giữa các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, nhiều quy định không hợp lý, phân cấp chưa khoa học, tổ chức thực hiện đảm bảo quy hoạch hiệu quả thấp, kỷ luật kỷ cương chưa thực hiện nghiêm túc.

Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư xây dựng.

Cụ thể, cần rà soát tất cả các luật có liên quan đến đầu tư xây dựng để sửa đổi một cách đồng bộ, toàn diện các quy định của pháp luật trong đó có quy định phạm vi điều chỉnh của từng luật để không chồng chéo, phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và phân công , phân cấp bộ, ngành, Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp nhà nước. Việc này cần phải được thực hiện trước khi trình Quốc hội sửa từng luật. Hiện nay vẫn đang tiến hành sửa từng luật, do vậy sẽ lặp lại tình trạng chồng chéo, không đồng nhất.

Rối giữa Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng

Xin được nêu thí dụ 2 luật sửa đổi khá mới hiện nay. Thứ nhất là Luật Đấu thầu vừa được trình Quốc hội xem xét và Luật Xây dựng sửa đổi. Luật Đấu thầu sửa đổi do Chính phủ trình đã đưa ra quy định tại Điều 110 về hiệu lực thi hành là thay thế toàn bộ Chương VII Luật Xây dựng 2003.

Tuy nhiên, Luật Xây dựng sửa đổi vẫn giữ nguyên và bổ sung thành một chương mới “Lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng”. Như vậy đã có sự chồng lấn giữa 2 luật này. Để giải quyết vấn đề này, có 2 phương án cần cân nhắc: (1) có thể tách Luật Đấu thầu thành 2 phần, đấu thầu liên quan đến hoạt động xây dựng sẽ để ở Luật Xây dựng, vì đấu thầu chỉ là một khâu trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng trong quá trình đầu tư xây dựng. Phần đấu thầu mua sắm công còn lại (trừ đấu thầu hoạt động xây dựng) có luật riêng do Bộ Tài chính soạn thảo.

(2) Giữ nguyên Luật Đấu thầu hiện hành nhưng chỉ là luật khung, quy định những nguyên tắc chung đặc biệt là đấu thầu các dự án, mua sắm hàng hóa thiết bị sử dụng vốn nhà nước. Còn các quy định chi tiết có tính chất chuyên ngành để các bộ quản lý nhà nước trình dự án luật (trình Quốc hội) hoặc nghị định (trình Chính phủ) hoặc thông tư hướng dẫn.

Thứ hai, Luật Xây dựng sửa đổi cũng cần nghiên cứu phạm vi điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn về đấu thầu trong hoạt động xây dựng để ở Luật Đấu thầu hay Luật Xây dựng? Về chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước nên để ở Luật Xây dựng, hay như Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang có ý kiến đưa về một chương trong Luật Đầu tư công? Chương Quy hoạch xây dựng nên để ở Luật Xây dựng hay Luật Quy hoạch Xây dựng?

Cần ban chuyên trách

Trên thực tế, không chỉ Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng gặp phải sự vướng mắc này. Còn nhiều quy định liên quan đến nhiều luật về đầu tư xây dựng cần phải rà soát xem xét (như trong đề án đổi mới cơ chế trong quản lý đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng trình Chính phủ).

Thí dụ như phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước liên quan đến Luật Ngân sách, quản lý vốn đầu tư xây dựng, quản lý mua sắm công; xác định ai là chủ đầu tư dự án vốn nhà nước và phân cấp chủ đầu tư dự án đầu tư nguồn vốn nhà nước giữa Trung ương, địa phương và doanh nghiệp nhà nước; vấn đề cấp phép doanh nghiệp hoạt động xây dựng; vấn đề quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng, đặc biệt là xác định suất đầu tư từ nguồn vốn nhà nước; quy định lựa chọn nhà thầu…

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước (đặc biệt là vốn nhà nước) và phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các chủ thể hoạt động xây dựng, thiết nghĩ nên có một ban chuyên trách do Phó Thủ tướng chủ trì, bao gồm các chuyên gia, nhà quản lý để tổ chức rà soát tất cả các luật có liên quan đến đầu tư xây dựng để sửa đổi một cách toàn diện, đồng bộ các quy định của pháp luật, trong đó quy định rõ phạm vi điều chỉnh của từng luật cũng như phân định rõ chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và địa phương. Việc này không mới và đáng lẽ nên thực hiện trước khi sửa đổi bổ sung luật đã ban hành, cũng như xây dựng luật mới trình Quốc hội.

Có làm được điều này mới giải quyết được tình trạng chồng chéo các quy định pháp luật đang làm khó người dân và doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm sai phạm, thất thoát, lãng phí.

Các tin khác