Nghịch lý chuỗi kinh doanh

Hiện nay, các loại thực phẩm tại TPHCM đã bắt đầu vào mùa. Song một thực tế là mặc dù người chăn nuôi, nhà vườn và tiểu thương chợ đầu mối đang chịu cảnh thua lỗ, hàng hóa ứ đọng, ế ẩm nhưng tại các chợ lẻ, giá thực phẩm vẫn ở mức trên trời. Đáng nói hơn người chịu thiệt nhiều nhất vẫn là các chủ trang trại, nhà vườn và đặc biệt người tiêu dùng.

Hiện nay, các loại thực phẩm tại TPHCM đã bắt đầu vào mùa. Song một thực tế là mặc dù người chăn nuôi, nhà vườn và tiểu thương chợ đầu mối đang chịu cảnh thua lỗ, hàng hóa ứ đọng, ế ẩm nhưng tại các chợ lẻ, giá thực phẩm vẫn ở mức trên trời. Đáng nói hơn người chịu thiệt nhiều nhất vẫn là các chủ trang trại, nhà vườn và đặc biệt người tiêu dùng.

Mua giá gốc, bán giá ngọn

Có mặt tại chợ Nông sản Thủ Đức lúc 6 rưỡi sáng, lượng rau xanh ở các sạp vẫn còn ngổn ngang, nhiều chủ sạp bắt đầu hạ giá để cố bán hết hàng sợ để hôm sau bị hư. Nhiều tiểu thương ở đây cho biết dưa leo, bí, bầu, bông cải xanh hầu hết đều có giá sỉ khoảng 5.000-10.000 đồng/kg nhưng rất khó bán. Cụ thể, dưa leo giá 5.000 đồng/kg, bí đao 6.000 đồng/kg, bông cải xanh 10.000 đồng/bông, khoai tây 8.000 đồng/kg.

Một tiểu thương vừa tranh thủ lấy hàng cho khách vừa nói: “Thường sáng sớm giá còn cao chút chứ ra lúc 7, 8 giờ bắt buộc phải hạ 1.000-2.000 đồng/kg để bán cho hết, nhiều lúc khách không lấy đành hạ xuống 1 nửa. Mặt hàng rau củ dễ hư hỏng, để càng lâu càng hư nhiều, thà chịu lỗ trước”.

Tương tự các mặt hàng rau, củ, các loại trái cây cũng có giá thấp hơn so với trước rất nhiều. Có thể kể đến một số loại trái cây thường gặp như xoài 7.000 đồng/kg, xoài keo 8.000-12.000 đồng/kg; sapochê 8.000 đồng/kg, chôm chôm 5.000 đồng/kg; vải thiều 25.000 đồng/kg. Không chỉ chợ Nông sản Thủ Đức, nhiều chợ đầu mối khác như Tân Xuân (Hóc Môn), Bình Điền (quận 8), Tam Bình (Thủ Đức), giá các mặt hàng đều ở ngưỡng thấp. Nguyên nhân do các mặt hàng nông sản đang trong thời điểm vào mùa thu hoạch nên số lượng được vận chuyển lên TP tăng nhiều.

 Giá rau quả và các loại thực phẩm bán lẻ vẫn ở trên trời.

Giá rau quả và các loại thực phẩm bán lẻ vẫn ở trên trời. 

Mặc dù vậy, tại các chợ lẻ tuy hàng hóa ở sạp phong phú, sản lượng nhiều hơn so với trước, nhưng giá vẫn ở mức bằng, thậm chí cao hơn. Khảo sát tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, khoai tây có giá 25.000 đồng/kg, cà chua 16.000 đồng/kg, bí đao 16.000 đồng/kg. So với chợ đầu mối, giá các mặt hàng này tăng gấp 2, 3 lần.

Khi được hỏi vì sao giá các mặt hàng lại cao như vậy, bà Lê Thị Thanh Nga, tiểu thương bán rau củ ở đây, cho rằng tính giá vậy để trừ hao hụt, giá xăng càng ngày càng lên, tiền xăng xe vận chuyển tăng thêm một khoản lớn, đó là chưa kể giá điện cũng tăng, trừ phí hao hụt, hàng hóa hư hỏng cũng đâu có lời nhiều.

Cùng với các mặt hàng rau xanh, giá gà trắng công nghiệp bán ra tại các chợ cũng tăng hơn gấp ba. Tại chợ Tân Định, quận 1, gà công nghiệp có giá 51.000 đồng/kg, gà tam hoàng 76.000 đồng/kg trong khi giá tại các chợ đầu mối chỉ 22.000/kg đối với gà công nghiệp và 31.000 đồng/kg đối với gà tam hoàng. Mức giá này cũng đang được tiểu thương các chợ nội thành duy trì.

Theo tính toán của chủ lò mổ bán sỉ, giá gà lông về đến lò mổ khoảng 25.000 đồng/kg, cộng thêm 6.000 đồng/kg chi phí giết mổ, về tiểu thương chợ lẻ ở mức 35.000-37.000 đồng/kg là phù hợp. Đó là chưa kể đến những trường hợp thương lái đến tận vườn mua và trực tiếp bán ra cho người tiêu dùng. Đương nhiên mức giá mua tại vườn sẽ còn thấp hơn giá mua tại chợ đầu mối, còn khi bán cho người tiêu dùng vẫn giữ ngang giá với các sạp khác.

Một thí dụ khác, thời gian qua hàng chục ngàn tấn hành tím ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bị tồn đọng khiến nông dân lao đao, nhiều người muốn bỏ nghề. Nắm bắt tình hình này, nhiều thương lái xuống tận nơi mua với mức giá “rẻ như bèo”, thậm chí nhiều người còn ép giá bà con với mức 3.500 đồng/kg. Song khi đưa lên TP bán cho người tiêu dùng với giá 15.000 đồng/kg. Như vậy, trừ chi phí vận chuyển, khấu hao, các tiểu thương thu lời hơn 10.000 đồng/kg.

Nhà vườn, người tiêu dùng chịu thiệt

Trong khi người chăn nuôi, trồng trọt đang phải gồng mình gánh lỗ, nhiều tiểu thương lại kiếm lời với mức giá gấp 2, gấp 3. Và đương nhiên, đối tượng thứ hai chịu thiệt thòi sau bà con nhà vườn là người tiêu dùng. Điều đáng nói, vụ mùa đang đến, như thường lệ giá các mặt hàng nông sản đều giảm song tình hình thực tế chưa thấy có dấu hiệu gì khả quan.

Rõ ràng, việc tiểu thương viện cớ giá xăng, điện tăng rồi không chịu giảm giá đã đẩy thêm khó khăn cho người sản xuất gánh chịu. Một khi nhà bán lẻ không chịu giảm giá sẽ khó có thể kích thích tiêu dùng vì người dân hay có tâm lý sợ giá cao. Sức tiêu thụ không tăng cũng đồng nghĩa với việc đầu ra của sản phẩm bị kìm hãm.

Điều này đặt ra yêu cầu cho ban quản lý các chợ lẻ, lực lượng quản lý thị trường phải cập nhật sát sao và liên tục diễn biến giá cả từ nơi sản xuất, yêu cầu người bán thực hiện nghiêm túc việc điều chỉnh giá cho phù hợp.

Trao đổi về thực trạng này, ông Đào Sỹ Long, Phó ban Quản lý chợ Tân Định, cho biết việc bán giá cao hơn giá gốc là dễ hiểu bởi các tiểu thương còn trừ các khoản chi phí khác như xăng xe vận chuyển, giá cước, giá thuê mặt bằng và trường hợp bán không được, thực phẩm hư hỏng. Hiện giá các mặt hàng thực phẩm ở chợ đều không thay đổi mặc dù giá xăng đang lên cao.

Ngoài ra vẫn có nhiều mặt hàng trái cây như xoài, vải, ổi đang giảm dần bởi vào vụ chín. Phía ban quản lý chợ sẽ tăng cường theo dõi chặt chẽ hơn về mức giá cũng như chất lượng sản phẩm để không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Các tin khác