TPHCM: Thiết lập mặt bằng giá mới sau Tết

Giá nhiều loại thực phẩm tại TP HCM đến hôm nay chưa quay về mức bình thường, có loại thậm chí đắt đỏ hơn cả ngày Tết do nguồn cung ít.

Giá nhiều loại thực phẩm tại TP HCM đến hôm nay chưa quay về mức bình thường, có loại thậm chí đắt đỏ hơn cả ngày Tết do nguồn cung ít.

Chỉ vào mớ rau với một lạng thịt nạc, 2 miếng đậu hũ và xấp bánh tráng ăn kèm, Lệ, sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế TP HCM cho biết cô đã chi gần 50.000 đồng, đành nhịn luôn bữa sáng do đã vượt quá "quota" của một bữa ăn trưa bình thường.

"Chỉ một quả dưa leo, một bắp cải Đà Lạt nhỏ bằng nắm tay và vài cọng rau thơm, em phải trả 11.000 đồng", Lệ nói. Thịt nạc sáng nay 130.000 đồng, sườn non 140.000 đồng một kg - đây là mức giá của những ngày giáp Tết, còn bình thường chỉ dao động 90.000-100.000 đồng mỗi kg.

"Cải caron Đà Lạt hôm nay quá đắt, tui không dám lấy hàng về bán", bà Hằng, tiểu thương chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, phân trần. Theo bà, bình thường giá bán tới tay người tiêu dùng chừng 25.000-35.000 đồng, nhưng giá mua vào hiện đã hơn 40.000 đồng nên phải bán 50.000 đồng một kg.

Nhiều khách quen đến hỏi nhưng bà đều chỉ sang hàng khác bởi "đắt như thế cũng không có nhiều người chịu bỏ tiền mua". Một quả chanh hôm nay 2.000-2.500 đồng. Một kg quất lên đến 20.000 đồng trong khi ngày thường chỉ 8.000-10.000 đồng. Đồ nấu canh chua đủ loại cũng phải 12.000 đồng, tăng 2.000-3.000 đồng so với bình thường. Dẫu vậy, tại các chợ, khu bày bán rau củ quả vẫn đắt hàng nhất.

Bà Thi, quận 10, TPHCM, than chi phí bữa ăn hiện đắt đỏ hơn hẳn trước Tết, bởi thực phẩm nào cũng giữ giá như ngày Tết chứ chưa hạ nhiệt về lại mức bình thường. "Tôi chọn một quả cà rốt và 2 tép hành lá, một ít rau răm làm gỏi nhưng phải trả tới 8.000 đồng, bó rau ngót hay mồng tơi đều hét 5.000 đồng, trong khi bình thường chỉ phải mất một nửa", bà nói.

Người bán giải thích do số rau quả thu hoạch thời điểm này ít hơn hẳn, trong khi nhu cầu tiêu dùng sau Tết lại tăng cao nên giá có nhỉnh hơn ngày thường. Tuy nhiên, theo bà, mỗi thứ cứ tăng một chút, nên chi phí cho bữa cơm hằng ngày cũng phải cao hơn trước vài chục nghìn đồng. Nếu giá cứ duy trì như mức của ngày Tết mãi, thì hàng tháng chi phí chợ búa đội lên thêm vài trăm nghìn đồng, bà tính.

Bán cá ở chợ Thái Bình, quận 1, chị Hằng cho biết sau Tết, tiêu thụ thủy sản tăng mạnh do người tiêu dùng ngán ăn thịt. Chính vì vậy, một kg cá bạc má 30.000 đồng, cá nục 40.000 đồng, cá lóc 55.000-60.000 đồng, diêu hồng 40.000-50.000 đồng mỗi kg, tăng 2.000-7.000 đồng so với nửa tháng trước nhưng vẫn đắt hàng. Mấy hôm nay, chị Hằng chỉ bán chừng 12h trưa là hết hàng, chứ không phải "ngồi đồng" tới trưa chiều như trước.

Trong khi đó, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, giá cả khá ổn định, ngoại trừ một số loại tăng đột biến do ảnh hưởng của thời tiết khiến nhà nông thất thu nên giá bị đẩy lên cao, thậm chí còn đắt hơn cả Tết như caron Đà Lạt.

Theo Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - Nguyễn Thanh Hà, hàng về chợ tối qua tăng khoảng 1.000 tấn so với cùng kỳ, tương đương 2.700 tấn. Giá rau củ quả đa phần vẫn như trước Tết, chỉ số ít hàng Đà Lạt bị hút dẫn tới tăng giá do mưa phùn, ảnh hưởng tới việc gieo hạt, xuống giống và thu hoạch.

Hàng quán lấy lý do "cái gì cũng tăng" nên giá bán có nhích hơn ngày thường. Anh Trung, chủ quán bún bò huế ở đường Thành Thái, quận 10, cho biết một tô bún hiện 25.000 đồng, loại đặc biệt 30.000 đồng, tăng 5.000 đồng so với trước Tết do "nguyên liệu đầu vào chưa trở lại mức thường".

Chị Thanh, chủ quán ăn trên đường Điện Biên Phủ, quận 10, cho rằng, giá cả vẫn ở mức cao nên không thể nào duy trì giá cũ, tăng ít nhất là 4.000 và nhiều nhất là 8.000 đồng, tùy loại thức ăn.

Các tin khác