TPHCM tái cấu trúc không gian đô thị

(ĐTTCO) - TPHCM có diện tích 2.100km2, so với các TP lớn trên thế giới thuộc nhóm đô thị có quy mô lớn. Do đó, nếu thực hiện cấu trúc không gian sống tốt và phân bổ dân cư hợp lý, TP hoàn toàn có thể tránh được tình trạng “nén đông đặc” trong diện tích 670km2 như hiện nay. Những giải pháp có thể thực hiện được và thực tế đã thành công ở các nước.    

Đối trọng trung tâm mới
Dân số TPHCM hiện nay khoảng 10 triệu người, còn tiếp tục gia tăng nhanh và thực tế đã gần đạt đến ngưỡng cực đại của đô thị. Vì thế, cần sớm hình thành thêm ít nhất 1 trung tâm mới nhằm chia xẻ với trung tâm hiện hữu (930ha). Trung tâm này phải hiện đại hơn trung tâm hiện hữu.
 Tái cấu trúc không gian sống để hướng đến phân bổ lại dân cư hợp lý là bài toán quan trọng của TPHCM từ nay đến giữa thế kỷ 21. Nếu không làm được điều này, TP sẽ mãi trong tình trạng quá tải và các giải pháp chiến lược, rốt cục chỉ là đi giải quyết những vấn nạn bằng các chính sách đối phó. 
Thực tế cho thấy, vào các ngày cuối tuần, lễ tết người dân tập trung về khu vực trung tâm nhiều. Bên cạnh đó, nhu cầu giải trí, mua sắm của người dân rất lớn, nếu tất cả đổ dồn về khu vực 930ha, quanh đường Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng sẽ gây áp lực lớn cho an ninh, trật tự, cháy nổ.
Do vậy, ngoài Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thực ra là phần mở rộng của Thủ Thiêm hiện hữu), có thể hình thành thêm các trung tâm mới ở bán đảo Thanh Đa, phía Nam và Đông Bắc TP (quận 2 và quận 9). 
Hiện TP có diện tích 2.100km2, song những vùng đất rộng lớn như Cần Giờ (700km2) rất khó phát triển, nghĩa là đất tốt ở TP gần như đã hết. Do vậy, nếu được có thể tính đến phương án mở rộng diện tích bằng việc xin 2 vùng đất là huyện Nhơn Trạch (430km2) của Đồng Nai, Đức Hòa (426km2) của Long An nhập về TPHCM. Khi đó, diện tích TPHCM sẽ tăng lên khoảng 850km2, đồng nghĩa với việc tăng cơ hội phát triển.    
Trước năm 1990, TP Manila của Philippines rơi vào tình cảnh “đông cứng” vì dân số và xe cộ đặc quánh. Chính quyền Philippines đã xây dựng TP tài chính, thương mại, dịch vụ hoàn toàn mới, hoành tráng hơn và tiện dụng hơn, có tên là Makati nằm trong vùng đô thị Metro Manila (bao gồm 16 thành phố đồng cấp).
Kết quả, lượng dân số, xe cộ ở khu vực trung tâm cũ giảm hẳn, khách du lịch đổ về Makati nhiều hơn Malacanang (tên gọi khu vực trung tâm của Manila cũ). Giải pháp chiến lược điều phối dân số đồng bộ này cũng được áp dụng ở Jakarta, khi Philippines phát triển Bangdung làm TP đối trọng.  

Quy hoạch các vùng chuyên biệt
Tổ chức lại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) và các cụm nhà máy tập trung theo hướng tập trung về một vài khu vực, có thể là phía Bắc TP, giảm số lượng, không để tình trạng quận, huyện nào cũng có KCN. Bởi thực tế, việc hình thành các KCN tại các quận, huyện đã kéo theo việc xuất hiện các khu dân cư (KDC) tự phát. Dân cư đột ngột tăng lên do lao động từ các nơi khác đến làm trong KCN và tham gia làm dịch vụ phục vụ KCN.
 Hình thành các KDC chất lượng cao để lan tỏa ảnh hưởng ra xã hội, chẳng hạn như các KDC Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền, An Phú An Khánh. Việc xuất hiện những KDC cao cấp ban đầu có thể gặp phản ứng về quan điểm. Nhưng dù muốn hay không việc hình thành những KDC như vậy là tất yếu theo sự phân hóa xã hội tự nhiên. Những KDC này sẽ tác động tốt đến biến chuyển xã hội theo hướng văn minh, hiện đại.
Các loại dịch vụ này hình thành theo điểm, theo dãy, theo khu như là phần nối dài của KCN, làm cho nó phình to ra, phát sinh các hệ qua xấu không mong muốn như ô nhiễm môi trường, tệ nạn, tội phạm tăng cao; quan hệ và cấu trúc làng xã truyền thống cũng tan vỡ, hình thái “làng không ra làng, phố không ra phố” ra đời, các vùng văn hóa của làng xã truyền thống gắn với các nghề nông truyền thống biến mất. Thí dụ, Hóc Môn 18 thôn vườn trầu, làng hoa Gò Vấp, làng mai Thủ Đức, làng đúc đồng Gò Vấp… đã bị xóa sạch. 
Vì vậy việc quy hoạch lại các KCN không chỉ theo hướng giảm bớt các KCN phát triển theo chiều rộng (sử dụng mặt bằng lớn, thâm dụng nhân công phổ thông, công nghệ lạc hậu, kỹ thuật giản đơn), mà còn trả lại cho TP phần đất được giải phóng dành cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, TP cũng cần chuyển nhanh sang thành trung tâm quốc tế về tài chính, dịch vụ (y tế, giáo dục, du lịch) bậc cao.
Tiến hành tái cấu trúc không gian kinh tế giảm lực lực lao động có tay nghề trung bình và thấp (lao động phổ thông), không phát triển các nhà máy gia công trình độ thấp. Phát triển các KCN, khu công nghệ cao, khu phần mềm, khu công nghệ sinh học. Dãn dần công nhân lao  động phổ thông ra vành đai ngoài lấn sang Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Thúc đẩy phát triển công nghiệp ở các tỉnh miền Trung để công nhân không phải di chuyển vào TPHCM
Một công việc không kém phần quan trọng là phát triển các trung tâm dịch vụ vệ tinh ở bên ngoài TP như bệnh viện, trường học, siêu thị, nhằm hút dân cư ra bớt bên ngoài. Việc hình thành một số bệnh viện như Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM (quy mô 1.000 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng ở Bình Chánh), Bệnh viện Ung bướu TPHCM (quy mô 1.000 giường ở quận 9), Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (tại huyện Bình Chánh), cho thấy TP đang nỗ lực theo hướng này.
Một thí dụ khác là siêu thị Aeon của Nhật Bản ở Tân Phú, Bình Tân ra đời, đã làm cho bức tranh kinh doanh và đời sống ở khu vực này trở nên rất sôi động, tạo cú hích kéo theo rất nhiều loại dịch vụ khác lan tỏa ra xung quanh, như nhà hàng, khách sạn, nhà trọ, thuê xe… 
TPHCM tái cấu trúc không gian đô thị ảnh 1 Một góc đô thị hiện đại TPHCM. 
Quy hoạch lại vành đai nông nghiệp các huyện ngoại thành theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Những vùng  này ngoài việc cung cấp thực phẩm cho TP còn nhằm giữ nông dân ở lại không chuyển dịch vào bên trong nội thành, đồng thời hút người dân nhập cư vào lĩnh vực này, không để họ di chuyển sâu vào nội thành (hiện nay đã xuất hiện mô hình người dân miền Trung, miền Bắc đến Hóc Môn thuê đất canh tác rau xanh). Nên giữ trọng điểm ở những nơi cần giữ, như vùng rau xanh, cây ăn trái chất lượng cao ở Củ Chi hay Hóc Môn.
Khi đã xác định rồi phải đầu tư lớn, loại trừ các tác nhân làm ảnh hưởng, chỉ kêu gọi các nhà đầu tư thực lòng vào nông nghiệp, kiên quyết không chuyển mục đích sử dụng đất cho công nghiệp. 
Hiện ở TPHCM có Khu NNCNC được xây dựng  năm 2004 tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, với diện tích 88ha. Nhưng mô hình này chưa nhân rộng ra được, mới dừng ở mức nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ với quy mô nhỏ. Giữ nông nghiệp nhưng có thể không còn nông dân truyền thống nữa mà sẽ hình thành nên công nhân làm nông nghiệp trong các trang trại bò sữa, trồng cây trái có quy mô lớn, sử dụng công nghệ kỹ thuật canh tác hiện đại. Đầu tư giữ lại các làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch như gốm, đan lát, mộc mỹ nghệ, hoa lan, cây kiểng..
Chuyển đổi phần còn lại sang các hoạt động dịch vụ như du lịch, nhất là home stay, các dịch vụ liên quan đến nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thư giãn ngắn cuối tuần, như thế mới tận dụng được lao động dôi dư. Phát triển dịch vụ và du lịch ở ngoại thành nhằm hút cư dân bên trong ra, hình thành các làng xóm kiểu mới như Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản. Loại hình nông nghiệp cao kết hợp với làng du lịch kiểu mới là hướng phát triển bền vững, kiến tạo nên một lớp nông dân công nghiệp hiện đại. 

Phân bổ lại dân cư
Để hình thành các KDC cao cấp và phát triển bền vững cần tính đến giải pháp quản lý. Đó là việc thành lập các thị trấn ở các quận, huyện, các KDC chất lượng cao, như Phú Mỹ Hưng thuộc quyền quản lý của 2 phường Tân Phong và Tân Phú, dưới quyền quản lý của Ban quản lý khu Nam Sài Gòn và sự tham dự của ban quản lý dự án của nhà đầu tư.
Nếu Phú Mỹ Hưng trở thành thị trấn độc lập tương đương với cấp quận, trực thuộc UBND TP, đứng đầu là 1 trưởng thị trấn, sự phát triển sẽ tốt hơn. Nhiều thị trấn tương tự có thể hình thành, như thị trấn Bình Chánh, thị trần Củ Chi, thị trấn An Phú An Khánh… Mục đích của mô hình làm nhằm thay đổi cung cách quản lý, thu hút dân cư đến sinh sống.
Thực tế TP đã hình thành một số khu ở của người nước ngoài, nhưng chất lượng chưa đồng đều và sức lan tỏa còn yếu. Các cộng đồng người Hàn Quốc (khoảng 70.000 người) sống ở khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, đường Phạm Văn Hai; người Nhật sống ở Lê Thánh Tôn, Thi Sách; người Đài Loan sống ở Phú Mỹ Hưng; người châu Âu sống ở Thảo Điền và quận 1, 3. 
Việc chuyển dịch dân cư ra dần các vành đai ngoài thông qua các lực đẩy và lực hút. Lực đẩy là giá cả dịch vụ, bất động sản đắt đỏ. Từ 1990 TPHCM có 2 hiện tượng cho thấy lực đẩy phát huy tác dụng đáng chú ý về dân số. Thứ nhất, hiện tượng “thay máu” ở khu trung tâm quận 1, 3, những người nghèo, trung bình bán nhà chuyển dần ra các quận gần trung tâm như Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh.
Thứ hai, sự dịch chuyển thương mại dịch vụ lan tỏa từ trung tâm ra bên ngoài theo các trục đường, các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp trở nên sôi động hơn. Cùng với lực đẩy là lực hút. Đó là việc hình thành thị trường bất động sản giá thấp. Tạo ra các KDC trung bình và thấp ở bên ngoài TP với hình thức nhà giá thấp, nhà cho thuê, nhưng đảm bảo các dịch vụ xã hội ở mức tương đối sẽ thu hút người dân tái định cư tại các vùng ven đô thị, hình thành các KDC mới.

Các tin khác