TPHCM: Ổn định kinh tế, chăm lo người nghèo

"Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng từ nay đến cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn".

"Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng từ nay đến cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn".

Đó là nhận định về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của UBND TPHCM tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP khóa VIII diễn ra hôm qua 13-7.

Duy trì tốc độ tăng trưởng

Phát biểu tại phiên họp sáng 13-7, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết 6 tháng đầu năm kinh tế TP tiếp tục vượt qua khó khăn, duy trì và ổn định tốc độ tăng trưởng phù hợp. Đặc biệt TP tiếp tục triển khai chương trình kích cầu thông qua đầu tư, đến nay đã có 110 dự án được xem xét, quyết định cho vay 9.686 tỷ đồng; tổng số vốn được hỗ trợ lãi vay 4.632,1 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách ước đạt 98.567 tỷ đồng tăng 24,54% so cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách ước đạt 18.438 tỷ đồng, tăng 14,35% so cùng kỳ năm trước. Trong đó chi đầu tư phát triển 10.292 tỷ đồng, chi thường xuyên 8.113 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 50.989 tỷ đồng, tăng 15,9% so cùng kỳ năm trước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có 151dự án  được cấp giấy phép với tổng vốn 1,467 tỷ USD, so với cùng kỳ giảm 9,04%. TP tiếp tục nhận được 20 dự án đầu tư từ nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA) với số vốn đầu tư tăng 63%. Giải ngân vốn ODA và vốn đối ứng đạt tỷ lệ cao.

Trong 6 tháng đầu năm TP đã duyệt 127 dự án vay vốn sản xuất cá thể, với số tiền 11,68 tỷ đồng cho 1.340 lao động. TP đã ra quyết định xét hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 30.345 người; cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với dư nợ hơn 188 tỷ đồng. Duyệt cấp 207.570 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, làm thẻ đi xe buýt miễn phí cho gần 11.000 người; miễn, giảm học phí cho học sinh-sinh viên nghèo…

Thúc đẩy sản xuất - kinh doanh

Trong phần thẩm tra báo cáo của UBND TP, ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho biết GDP 6 tháng đầu năm tăng 9,9%, để đạt tỷ lệ tăng trưởng theo Nghị quyết của HĐND TP đề ra là 12%, cần phải nỗ lực nhiều hơn.

Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà UBND TP đề ra thực hiện từ nay đến cuối năm: Tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng phù hợp; đẩy mạnh chương trình an sinh xã hội…

Chiều 13-7 các đại biểu thảo luận tại tổ. Nhiều vấn đề dân sinh như đền bù giải tỏa chậm trễ, đời sống người lao động khó khăn, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế… được các đại biểu mổ xẻ.

Đại biểu Huỳnh Công Hùng cho rằng cần rà soát lại quy định, quy trình khi triển khai dự án. Không thể 1 dự án có đến 2 hay 3 giá đền bù khác nhau như dự án Xa lộ Hà Nội. Công tác đền bù chậm sẽ điều chỉnh dự án, khi điều chỉnh giá sẽ tăng gây lãng phí. Theo đó phải làm chặt chẽ không để người dân thiệt hại, đời sống bị ảnh hưởng khi bị thu hồi đất. Lạm phát, lãi suất cao thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người lao động. Về Chương trình bình ổn giá của TP, các đại biểu cho rằng không nên áp dụng quanh năm, mà chỉ áp dụng vào các dịp lễ, tết.

Kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm

- Tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước đạt 199.990 tỷ đồng, tăng 9,9%.

- Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 22,5%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,2%.

- Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 5,21%.

- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước, là tháng có mức tăng thấp nhất trong 8 tháng qua.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 12,506 tỷ USD tăng 14,7%.

- Vốn huy động qua ngân hàng ước đạt 748.915 tỷ đồng, tăng 28%.

- Lượng kiều hối đạt 2,47 tỷ USD, tăng 27,06%.

- Số lao động được giải quyết việc làm ước đạt 128.000 người, trong đó 52.126 lao động có chỗ làm mới, đạt 43,43%.

Các tin khác