TPHCM mời gọi đầu tư hàng loạt dự án

(ĐTTCO) - Ngày 11-10, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) đã tổ chức “Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TPHCM 2017”, thu hút gần 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì hội nghị, gợi mở chủ trương thu hút đầu tư của lãnh đạo TP.
 
Kêu gọi đầu tư 9 nhóm ngành dịch vụ 
Với chủ đề “Cùng xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình”, hội nghị mời gọi các nhà đầu tư vào 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia, 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong 116 dự án xã hội hóa có 64 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 7 dự án giảm ngập nước, 3 dự án nông nghiệp, 1 dự án công nghiệp, 4 dự án thương mại dịch vụ, 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 6 dự án giáo dục, 1 dự án y tế, 4 dự án văn hóa thể thao.
Trong 11 dự án quốc gia có 9 dự án hạ tầng giao thông, 1 dự án giáo dục đào tạo, 1 dự án y tế. Riêng Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 6 dự án, gồm 1 dự án khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, 4 dự án xây dựng trường học tiêu chuẩn quốc tế, 1 dự án xây dựng  nhà hát nghệ thuật tổng hợp.
 Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ nhà đầu tư là chuỗi hoạt động không thể tách rời trong quá trình nhà đầu tư tiếp cận và thực hiện dự án. Theo đó, ITPC tổ chức thường xuyên các hội thảo chuyên đề, đối thoại giữa DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước với chính quyền TP nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho nhà đầu tư. Cụ thể, ITPC sẽ từng bước ứng dụng công nghệ trong hoạt động xúc tiến đầu tư giúp nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu các dự án.
Ông Phạm Thiết Hòa,  
Giám đốc ITPC
Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, năm 2013 Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội TPHCM đến 2020, tầm nhìn 2025, với quan điểm phát triển TPHCM dựa trên nền tảng phát triển bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao nhận thức dân cư, gắn với bảo vệ môi trường.
Quan điểm phát triển này được cụ thể hóa thành mục tiêu xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn vế kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Để thực hiện mục tiêu này, TPHCM tập trung kêu gọi đầu tư vào 9 nhóm ngành dịch vụ, gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục và đào tạo và 4 ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm.
Bên cạnh đó, TP chuyển dịch cơ cấu kinh tế lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. TP cũng quyết tâm triển khai 7 Chương trình đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần X đề ra, bao gồm chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng; chương trình nâng cao chất lượng cạnh tranh của kinh tế TP trong thời kỳ hội nhập; chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chương trình cải cách hành chính; chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm ô nhiễm môi trường; chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.
Dự án cải thiện môi trường nước Tàu Hủ - Bến Nghé nằm trong danh sách ưu tiên chiến lược đầu tư giai đoạn 2. Ảnh: P.LONG 

Các chương trình ưu tiên chiến lược
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một TP văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, TPHCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp TP tại 4 hướng phát triển (2 hướng chính là Đông và Nam ra biển; 2 hướng phụ là Tây - Bắc và Tây, Tây - Nam). 
Tại hội nghị, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã nêu ra định hướng ưu tiên đầu tư Khu công nghệ cao tại quận 9; Khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2 (737ha); Khu đô thị mới Nam TP; Khu đô thị mới Nam Thanh Đa; Khu đô thị Tây Bắc (6.000ha); Khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (3.900ha); khu trung tâm hiện hữu mở rộng (930ha).
Đối với Chương trình chống ngập và vệ sinh môi trường, TP ưu tiên dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ; dự án cải thiện môi trường TP - Tiểu dự án rạch Hàng Bàng; dự án nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm.
Đáng chú ý, hệ thống giao thông đô thị cũng được chính quyền TP ưu tiên thu hút đầu tư. Hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch gồm 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) hoặc đường sắt 1 ray (monorail), tổng chiều dài 219,25km. 
Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị, cho biết mục tiêu của TP đến năm 2020 hoàn thành tuyến metro số 1, năm 2024 hoàn thành tuyến metro số 2 giai đoạn 1 và tuyến metro số 5 giai đoạn 1. Hiện TP đang mời gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc và Hồng Công tham gia các tuyến metro, với số vốn lên đến gần chục tỷ USD.
Trao đổi tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến mong muốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các lĩnh vực TP đang kêu gọi đầu tư, cùng với chính quyền và nhân dân TP xây dựng TPHCM trở thành TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TPHCM lần này, lãnh đạo TP cũng mong các nhà đầu tư đã hoạt động tại Việt Nam hiểu rõ hơn sự trân trọng của chính quyền TP đối với các nhà đầu tư, sẽ giới thiệu nhà đầu tư khác biết đến Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, là nơi đầu tư đầy tiềm năng. 

Các tin khác