TPHCM kỳ vọng đột phá - Kỳ 1: Khai thông rào cản metro

(ĐTTCO) - Vấp phải tính pháp lý cho các dự án tuyến đường sắt metro trong việc giải ngân, nên tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) phải thi công  ì ạch kéo dài từ năm 2009, các tuyến khác hầu như “đứng bánh”.
Đã vậy, tình hình nhân sự ở Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) vào cuối năm 2018 có nhiều xáo trộn... Tuy nhiên, với quyết tâm cao của lãnh đạo TPHCM và Chính phủ tạo thêm điều kiện, những ngày cận Tết và sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi, không khí làm việc hối hả trên công trường metro đã tạo khí thế mới cho các dự án.
Công trường nhộn nhịp trở lại
Ngay sau khi nhận chức Trưởng Ban MAUR vào những ngày đầu của năm 2019, ông Bùi Xuân Cường cho biết, trong năm 2019 tập thể cán bộ nhân viên đã đặt mục tiêu thi công đạt 18% tiến độ, nâng tiến độ chung của dự án metro số 1 lên 80%.
 Dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 và số 2 đã được cấp thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Do vậy các quận/huyện phải đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa, tái định cư cho người dân có dự án đi qua, tạo điều kiện cho nhà thầu thi công, những vấn đề khó khăn nào không thuộc thẩm quyền xử lý thì báo cáo hoặc kiến nghị ngay cho lãnh đạo UBND TPHCM để tìm cách giải quyết. Lãnh đạo TPHCM cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để MAUR thực thi tốt nhất công việc của mình.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, 
Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Những “rào cản” trước đây sẽ được lãnh đạo TPHCM tìm cách tháo gỡ để dự án tăng tốc, kịp đưa vào vận hành vào cuối năm 2020 như kế hoạch. Và thực tế, những ngày cuối năm Mậu Tuất, kể cả ban đêm, nhiều kỹ sư và công nhân vẫn tập trung cao độ cho công việc bên trong nhà ga ngầm Bến Thành ở độ sâu 30m, đoạn từ chợ Bến Thành đến Nhà hát TPHCM. 
Hình hài tuyến metro số 1 đã hiển hiện, rõ nét nhất là chiếc cầu metro uốn lượn trên cao bên hông xa lộ Hà Nội. Từ điểm đầu, chiếc cầu metro xuất phát từ nhà ga Ba Son từ quận 1 theo rạch Văn Thánh ra đường Điện Biên Phủ của quận Bình Thạnh, từ đó vượt sông Sài Gòn để song hành bên xa lộ Hà Nội của quận 2, quận 9 và Thủ Đức, kéo dài đến Suối Tiên với chiều dài hơn 17km, có thể thấy tấp nập các kỹ sư và công nhân hối hả lắp đặt hai làn đường ray sắt cho mỗi chiều đoàn tàu metro đi và về khu vực trung tâm. Đến nay công trình đã lắp được khoảng 6.000m đường ray và đổ 2.700m nền bêtông đường ray tại các đoạn từ nhà ga Phước Long và nhà ga Thủ Đức. 
Trên công trường, các kỹ sư người Việt và người Nhật đang kiểm tra chất lượng những đoạn ray vừa được lắp đặt, kiểm tra khả năng chịu lực của ray... Bất chấp dưới cái nắng trưa gay gắt, hàng chục kỹ sư, công nhân vẫn tiếp tục thảo luận, kiểm tra từng đoạn khung ray nhỏ. Bộ phận điều khiển của tuyến metro số 1 chính là depot Long Bình - trạm bảo dưỡng kỹ thuật đầu máy, đã xây dựng xong phần thô của tòa nhà cao tầng - trung tâm điều hành OCC, đây là nơi các kỹ sư làm việc quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của các đoàn tàu trên tuyến metro số 1. 
Sau những ngày nghỉ Tết, sáng ngày 12-2 (mùng 8 Tết), MAUR đã tổ chức lễ ra quân đầu năm thi công tuyến metro số 1. Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM ông Trần Vĩnh Tuyến, cho biết về mặt kinh phí hoàn toàn an tâm, TP sẽ ứng ra vài ngàn tỷ đồng để gỡ vướng tạm thời.  Chính phủ cũng đã họp và đã giao các bộ ngành tham mưu duyệt giải ngân theo Hiệp định vay của TP với các đối tác. 

TPHCM quyết tâm cao
Theo ông Bùi Xuân Cường, vướng mắc lớn nhất của tuyến metro số 1 lâu nay làm ì ạch dự án khi giải ngân vốn là tính pháp lý. Do dự án chưa được thông qua tổng mức đầu tư, nên vốn cấp cho dự án gần như không đủ triển khai giai đoạn tiếp theo, nên đã xảy ra tình trạng nợ nhà thầu thi công. Mục tiêu đặt ra cho dự án metro số 1 phải đạt là 65% tiến độ trong năm 2018, nhưng thực tế chỉ đạt được 62%. Vì vậy, năm 2019 phải tăng tốc trên tất cả các mặt, phải thực hiện đạt 80% khối lượng công việc mới đảm bảo đến năm 2020 đưa được tuyến metro số 1 vào hoạt động. 
 MAUR cùng với các nhà thầu đang tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thanh toán, cập nhật lại tình hình thi công thực tế, xây dựng lại kế hoạch tổng thể của dự án, kế hoạch thi công chi tiết của các gói thầu, thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, kế koạch kiểm tra, giám sát từng tháng với mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối năm 2020. 
Ông Bùi Xuân Cường,
Trưởng Ban MAUR
Theo MAUR, trong năm 2019 nhu cầu vốn cho dự án tuyến metro số 1 là 9.502 tỷ đồng. Trong đó, 2.451 tỷ đồng dùng để thanh toán khối lượng công việc đã hoàn thiện từ năm 2018 chuyển sang, còn 7.257 tỷ đồng sử dụng cho tiến độ năm 2019.
Trong năm 2018, UBND TPHCM đã tạm ứng cho dự án 1.000 tỷ đồng. Để hiện thực hóa những quyết tâm trên, MAUR vừa kiến nghị UBND TPHCM tạm ứng đợt 1 năm 2019 là 2.200 tỷ đồng, để thanh toán và tạm ứng 80% cho các nhà thầu đã thực hiện công trình trong năm 2018. 
Ông Cường cũng cho biết, sau khi MAUR làm việc với nhiều đơn vị tài trợ quốc tế, hầu hết các nhà tài trợ cho hay đều có nguồn cho vay để triển khai các tuyến metro tiếp theo tuyến số 1. Cụ thể, đại diện Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho biết hiện có nguồn 825 triệu USD tài trợ cho các dự án metro số 4 và số 5; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẵn sàng tài trợ đến 900 triệu USD cho tuyến số 2; Ngân hàng Tái thiết Đức đồng ý tài trợ không hoàn lại 6 triệu euro nghiên cứu tuyến metro số 2...
MAUR đã làm việc với JICA, đơn vị này cho rằng nếu metro số 1 vận hành đúng kế hoạch sẽ tiếp tục tài trợ vốn cho tuyến 3a (Bến Thành - Tân Kiên, kết nối với tuyến số 1).
TPHCM kỳ vọng đột phá - Kỳ 1: Khai thông rào cản metro ảnh 1 Cho đến nay đường ray trên tuyến metro số 1 đã lắp được 6.000m. 
Bên cạnh việc giải quyết khó khăn về tài chính, MAUR đã có kế hoạch ổn định lại nhân sự. Trước đây, vì nhiều lý do đã có đến 55 cán bộ, nhân viên ở MAUR xin nghỉ việc. Nay được sự chấp thuận của UBND TPHCM, MAUR cho biết sẵn sàng tiếp nhận lại những cán bộ có nhiều năng lực, kinh nghiệm và am hiểu thông lệ quốc tế trở về làm việc, song song với việc tiếp nhận thêm nhiều nhân sự mới. Để thu hút người tài về làm việc, hiện MAUR đang xin UBND TPHCM cơ chế đặc thù, loại hình riêng để tuyển dụng lao động có chất lượng cao.Chính phủ mở rộng cửa
Những ngày cuối tháng 1-2019, Văn phòng Chính phủ cũng đã gửi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sau cuộc họp về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) ngày 24-1.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, UBND TPHCM và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 và metro số 2 theo quy định. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn UBND TPHCM tổ chức thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ.
Như vậy dự án xây dựng tuyến metro số 1 được duyệt năm 2007 có tổng mức đầu tư 17.388 tỷ đồng, nay đang được các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh lên 47.325,2 tỷ đồng. Còn dự án tuyến metro số 2 có tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt năm 2010 là 26.116 tỷ đồng, nay đang được các cấp có thẩm quyền phê duyệt lên 47.891,26 tỷ đồng.
Tại thời điểm UBND TP phê duyệt, cả hai dự án đều thuộc tiêu chí dự án nhóm A. Song quá trình triển khai thực hiện, dự án có thay đổi tăng tổng mức đầu tư thuộc tiêu chí dự án thuộc quan trọng Quốc gia. Điều 33 Nghị định 131/2015/NĐ - CP về hướng dẫn dự án quan trọng Quốc gia, có nêu về xử lý chuyển tiếp đối với dự án đang trong quá trình thực hiện, phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí về dự án quan trọng Quốc gia. 
Để đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu theo hợp đồng, MAUR kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương tiếp tục được tạm ứng vốn từ ngân sách TP để thanh toán cho các nhà thầu. Dự kiến sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án metro số 1, MAUR sẽ tham mưu UBND TP đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn trả vốn tạm ứng.
 Theo kế hoạch trong năm 2019 và 2020, sẽ lắp đặt các thiết bị điều hành điện tử tự động, hệ thống camera giám sát hoạt động các đoàn tàu metro... Khu trung tâm điều khiển công trình đã cơ bản hoàn thành bãi đậu tàu có sức chứa 32 đoàn (mỗi đoàn tàu có 6 toa), khu vực xưởng sửa chữa (duy tu bảo dưỡng đầu máy toa xe, các thiết bị cơ điện, hệ thống thông tin, tín hiệu)... cũng đã dần hoàn thành. Khu vực xưởng sửa chữa với diện tích khoảng 21.560m2, trong đó tầng trệt lắp đặt các thiết bị bảo dưỡng đầu máy toa xe, tầng 1 bao gồm phòng huấn luyện, văn phòng và nhà kho, những hạng mục này đều đã hoàn thành xây dựng.

Các tin khác