TPHCM: 9 tháng GRDP đạt 776.000 tỷ đồng

(ĐTTCO) - Theo UBND TPHCM, 9 tháng đầu năm 2017 kinh tế thành phố tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đạt 775.874 tỷ đồng, tăng 8% (cùng kỳ tăng 7,76%). 
TPHCM: 9 tháng GRDP đạt 776.000 tỷ đồng
Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 7,7% (cùng kỳ tăng 7,8%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7% (cùng kỳ tăng 7,8%), khu vực nông nghiệp tăng 6,2% (cùng kỳ tăng 5,7%). 
Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 57,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 25,1%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 17%. 
Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh là 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh của thành phố như thương mại, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, du lịch, thông tin truyền thông, vận tải - cảng - kho bãi, khoa học - công nghệ, kinh doanh bất động sản, giáo dục và y tế.
Tỷ trọng 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng cao nhất 51,52% trong tổng GRDP. Trong đó, 3 nhóm ngành bất động sản; thương mại và vận tải kho bãi tiếp tục chiếm tỷ trọng cao 27,31% trong tổng GRDP. 
Về tốc độ phát triển dịch vụ, một số ngành có mức tăng cao hơn so với cùng kỳ: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 4,88%); khoa học công nghệ tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 6,8%); giáo dục đào tạo tăng 9,2% (cùng kỳ tăng 2,6%); y tế tăng 9,78% (cùng kỳ tăng 5,67%).
Các ngành còn lại vận tải kho bãi, du lịch, thông tin truyền thông có mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ, ngành bất động sản tăng 6,78%, thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,24%) do thị trường đất nền bị làm giá, đồng thời thành phố đã có động thái, thông báo chính thức việc chuyển đổi từ huyện lên quận, kiểm tra việc tung tin đồn nâng giá đất đã làm hạ nhiệt thị trường bất động sản. 
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố 9 tháng ước đạt 26,3 tỷ USD, tăng 15,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng  1,68%). Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 23,96 tỷ USD, tăng 15% (cùng kỳ tăng 7,5%). Thị trường xuất khẩu một số nước tăng nhanh như: Singapore tăng 84,5%; Malaysia tăng 40,9%; Myanmar tăng 48,2%; Ấn Độ tăng 39,3%; Trung Quốc tăng 31%; Hoa Kỳ tăng 11,6%… Riêng thị trường Indonesia, Anh, Đức… xuất khẩu chậm lại.
Mặt hàng xuất khẩu của một số mặt hàng được duy trì và có mức tăng: Cao su tăng 24,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 36,1%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng tăng 60,7%... 
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 9 tháng ước đạt 31,58 tỷ USD, tăng 16,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 13%). Ngành hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 32,3%; chất dẻo nguyên liệu tăng 19,6%; kim loại tăng 34,2%...

Các tin khác