Tìm vốn không chỉ ở ngân hàng

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, các giải pháp thắt chặt tiền tệ, tài khóa đang được triển khai và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, việc này cũng khiến nguồn vốn trên thị trường suy giảm đáng kể.

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, các giải pháp thắt chặt tiền tệ, tài khóa đang được triển khai và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, việc này cũng khiến nguồn vốn trên thị trường suy giảm đáng kể.

Các chuyên gia cho rằng để tạo nền móng cho phát triển bền vững, trong ngắn hạn doanh nghiệp cần chấp nhận “chịu đau” và đồng thuận với các giải pháp mạnh mẽ của Chính phủ. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi nhận thức về nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu các giải pháp tài chính. Thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, còn nhiều kênh khác doanh nghiệp có thể tận dụng để huy động vốn như kênh phát hành cổ phiếu, trái phiếu, hợp tác công - tư, đi thuê tài chính hay liên doanh - liên kết…

Tình trạng doanh nghiệp khát vốn đã trở thành căn bệnh cố hữu trong nền kinh tế nước ta, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Năm 2011, khi lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ được thắt chặt khiến lãi suất vay lên đến 20-24% càng làm khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp thu hẹp. Theo điều tra gần đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, chỉ có 1/3 DNNVV có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, 1/3 khó tiếp cận và 1/3 không tiếp cận được. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách tổng thể, bài toán tài chính doanh nghiệp lại đáng lo ở khía cạnh khác: hầu hết doanh nghiệp có thói quen dùng nợ, vay nợ làm vốn. Năm 2007, tăng trưởng tín dụng lên tới 52% trong khi tăng trưởng GDP chỉ 8,4%. Năm 2009 tăng tín dụng 37,5%, GDP tăng 5,3%. Năm 2010 tín dụng tăng 31%, GDP tăng 6,7%.

Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng dựa trên tăng nợ chứ không phải tăng vốn. Tăng nợ thể hiện rõ nhất là dư nợ hiện bằng 1,2 lần GDP, trong khi tiết kiệm chỉ chiếm 30% và đầu tư 40% GDP. Tức mức tăng trưởng dư nợ ở Việt Nam luôn gấp 3-5 lần tăng trưởng GDP, trong khi ở các nước khác tỷ lệ này chỉ 1/1 hoặc thấp hơn. Nền kinh tế tăng trưởng dựa trên nợ chứa đựng những bất ổn đối với cả doanh nghiệp và kinh tế nhà nước.

Hiện nay có đến 74,4% doanh nghiệp muốn tìm đến vốn bằng hình thức vay ngân hàng, đang hạn chế tính năng động của doanh nghiệp. Vì thế, chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng thắt chặt trong năm 2011 để kiềm chế lạm phát là cơ hội cho doanh nghiệp tìm các kênh huy động vốn khác. Điều này vừa giúp giảm áp lực vốn tín dụng ngân hàng để ổn định vĩ mô, vừa tạo ra hướng mới để lành mạnh hóa cơ cấu tăng trưởng nền kinh tế trong dài hạn.

Trong bối cảnh lạm phát, việc tạo vốn cho sản xuất, kinh doanh không nhất thiết từ nguồn duy nhất là ngân hàng. Đây cũng là lúc doanh nghiệp phải tìm cách tự cứu, trước khi cầu cứu ngân hàng. Theo đó, doanh nghiệp có thể liên kết cam kết tiến hành các nghiệp vụ mua - bán chịu bằng cách phát hành cho nhau các giấy nhận nợ hoặc quyền đòi nợ trong phạm vi, thời hạn thỏa thuận để hữu dụng hóa nguồn vốn “đối đầu” tạm thời nhàn rỗi của từng bên. Bên cạnh đó, khi nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng bị thắt chặt, thị trường chứng khoán - kênh huy động vốn quan trọng của nhiều doanh nghiệp - gặp khó khăn, việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu đang dần trở thành xu hướng mới và là sự lựa chọn ưu tiên của nhiều doanh nghiệp lớn. Lợi thế của kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp là nguồn vốn trung, dài hạn với chi phí hợp lý.

Một hình thức huy động vốn nữa là đầu tư công - tư (PPP). Các dự án PPP hấp dẫn bởi rủi ro thấp do Nhà nước cung cấp các cam kết thể chế cho dự án, bảo lãnh và xúc tiến khả thi cho dự án. Tính dài hạn trong đầu tư cũng là một điểm thu hút khu vực tư nhân, các dự án này thường mang lại cho nhà đầu tư khoản lợi nhuận ổn định trong dài hạn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không đủ khả năng tự thực hiện các dự án lớn nếu thiếu sự tham gia và hợp tác của Nhà nước. Trong bối cảnh khó khăn, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn của mình. Trong đó đặc biệt quan tâm tới việc tiết giảm chi phí, tích cực cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc; tập trung kinh doanh sản phẩm chính; rút ngắn thời hạn thanh toán phân phối để đẩy nhanh vòng vốn, giảm lệ thuộc vào vay ngân hàng…

Các tin khác