Tìm giải pháp tháo điểm nghẽn giao thông ĐBSCL

(ĐTTCO) - Ngày 12-12, tại Sóc Trăng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề, Sóc Trăng. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL và lãnh đạo TPHCM.
Quốc lộ 62, đoạn qua địa bàn tỉnh Long An đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: PHAN THANH
Quốc lộ 62, đoạn qua địa bàn tỉnh Long An đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: PHAN THANH

Ưu tiên cho kết nối

ĐBSCL hiện là vùng chiếm 90% lượng gạo, 70% trái cây và 60% thủy sản của cả nước phục vụ xuất khẩu, thế nhưng hầu hết đều phải tập kết về đầu mối TPHCM để xuất khẩu. Trong khi đó, hệ thống giao thông đường bộ của vùng hiện đang thật sự quá tải, gây khó khăn rất lớn trong việc phục vụ nhu cầu vận chuyển và xuất nhập khẩu hàng hóa. Hiện nay, ĐBSCL có 4 phương thức vận tải chính là đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không với tổng lượng hàng hóa đạt 131,7 triệu tấn năm 2017, tăng trung bình 6,2%/năm. 

Trong đó, vận tải hàng hóa bằng đường thủy chiếm đến 70%, đường bộ chiếm 30%. Mạng lưới giao thông đường bộ vùng ĐBSCL hiện có 6 tuyến trục dọc và 9 tuyến trục ngang. Tuy nhiên, các trục dọc vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, gồm: cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, đường N2 đoạn Đức Hòa - Mỹ An - Cao Lãnh, đường N1, quốc lộ (QL) 60 đoạn cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên, cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2. Bên cạnh đó, các tuyến trục ngang kết nối các tỉnh hiện vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, QL1A đoạn Năm Căn - Đất Mũi...

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục đầu tư các tuyến đường kết nối các trung tâm tỉnh, thành trong vùng. Cụ thể, các tuyến đường như: QL54 đoạn qua Vĩnh Long, QL91 đoạn còn lại của TP Cần Thơ, nâng cấp mở rộng QL60, QL53... Đặc biệt, sớm hoàn thành và hoàn thành đúng tiến độ các dự án giao thông trọng điểm của vùng như: cầu Vàm Cống, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2...

Theo ông Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, việc Bộ GTVT xây dựng đề án kết nối giao thông đã cụ thể hóa được rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ. Đề án đã nêu rất rõ các bất cập, thực trạng của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông để từ đó có giải pháp gỡ điểm nghẽn, tăng kết nối. “Khi giao thông chưa kết nối tốt, sẽ hạn chế nhiều mặt phát triển. Như từ TPHCM về Sóc Trăng chỉ khoảng 250km, nhưng thường phải đi mất 3-4 giờ, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Nếu có thể mở rộng hệ thống giao thông sẵn có, tăng tính kết nối, phá bỏ những bất cập, điểm nghẽn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cơ hội phát triển cho địa phương và vùng”, ông Phan Văn Sáu nhận định.

Xã hội hóa đầu tư, xây dựng cảng biển Trần Đề

Tại hội nghị, Bộ GTVT đã trình nghiên cứu quy hoạch cảng nước sâu Trần Đề để lấy ý kiến của các địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo đó, cảng Trần Đề được quy hoạch với tổng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng, thuộc loại cảng IA, nguồn vốn thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Cảng được đề xuất tại 2 vị trí (nằm trên địa bàn huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), vị trí thứ nhất tại cửa biển Trần Đề, vị trí thứ 2 nằm tại cửa biển Mỹ Thanh. Cảng có tổng diện tích khoảng 5.750ha, với khu dịch vụ, hậu cần, logistics 4.000ha, cầu vượt biển từ 10km đến 16km kết nối với khu cảng (1.000 - 1.750ha). Theo thiết kế quy hoạch, cảng Trần Đề có thể tiếp nhận tàu đến cảng từ 50.000 - 160.000DWT. 

Giải thích về lý do chọn Trần Đề làm cảng nước sâu loại 1 chung cho cả vùng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Thứ nhất, về mặt đường bộ, Trần Đề chỉ cách trung tâm TP Cần Thơ chỉ khoảng 50km, ngoài ra còn có QL1 qua các tỉnh, QL Nam Sông Hậu và tương lai sẽ có cao tốc về Phnôm Pênh. Rõ ràng về kết nối đường bộ Sóc Trăng rất gần với các trung tâm hàng hóa, do đó cự ly đạt rất đáng kể. Thứ hai, Trần Đề còn có lợi thế lớn nữa là nằm trên bờ sông Hậu, vì hàng hóa chủ yếu vẫn đi đường sông Hậu mà không đi đường sông Tiền vì cửa biển hẹp, nên chúng ta có cả một tuyến thủy từ Campuchia qua An Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng. Qua nghiên cứu tài liệu báo cáo quy hoạch, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với đề xuất cần có một cảng nước sâu chung cho cả vùng ĐBSCL. Đây cũng là cửa ngõ phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của cả khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Tuấn bày tỏ sự nhất trí cao với đề án quy hoạch cảng Trần Đề, đồng thời cho biết cảng ngoài đáp ứng vai trò là của ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa của toàn vùng, bên cạnh đó còn đáp ứng nhu cầu nhập khẩu than của các trung tâm nhiệt điện của khu vực. Tiêu biểu như Hậu Giang hiện có 3 nhà máy nhiệt điện, kế đó là trung tâm nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng) cũng có nhu cầu nhập khẩu than rất lớn. Ông Phan Văn Sáu cho biết, việc hình thành một cảng nước sâu cho cả vùng là mong muốn không chỉ của riêng của tỉnh nào, mà là của nhân dân khu vực ĐBSCL. Sau khi tiếp thu, lấy ý kiến của các địa phương, Bộ GTVT và các đơn vị có liên quan sẽ tiến hành hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch cảng Trần Đề để trình Thủ tường Chính phủ xem xét vào cuối năm nay.

Các tin khác