Tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa

* Năm 2011: CPI tăng 18,12%

 * Năm 2011: CPI tăng 18,12%

(ĐTTC) - Sáng nay 22-12, tại Hà Nội, Chính phủ đã họp với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, tăng trưởng GDP năm 2011 đạt khoảng 5,9%, là mức tăng khá cao trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát. Ngành nông nghiệp phát triển ổn định, đạt mức kỷ lục về sản lượng lương thực. Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ khá. Tốc độ tăng xuất khẩu gấp trên ba lần so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần làm giảm mạnh nhập siêu.

Thị trường ngoại tệ và tỷ giá ngoại tệ từng bước ổn định. Cán cân thanh toán được cải thiện, dự trữ ngoại hối cao hơn khá nhiều so với đầu năm. Đáng chú ý chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2011 đã được xác định tăng 18,12%, cơ bản đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 18% mà Chính phủ đề ra.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, diễn biến lạm phát năm 2011 khá phức tạp, thể hiện ở việc tăng cao những tháng đầu năm và giảm dần từ quý II. Trong 4 tháng cuối năm, lạm phát có dấu hiệu giảm tốc, chỉ tăng dưới 1% mỗi tháng. Trong tháng 12, lạm phát có dấu hiệu nhích lên so với 2 tháng trước. Cụ thể, lạm phát tháng 10 và tháng 11 chỉ tăng 0,36% và 0,39% nhưng lạm phát tháng 12 tăng 0,53%.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2012 là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, tình hình kinh tế thế giới trong năm 2012 dự báo còn diễn biến phức tạp, xu hướng phục hồi chậm và bất ổn định (nguy cơ bất ổn vĩ mô và khủng hoảng nợ công còn trầm trọng; giá dầu thô, lương thực, thực phẩm vẫn bất ổn định; mâu thuẫn, xung đột lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp diễn ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới; qua đó ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta).

Vì thế, trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá; trong đó chủ động điều hành và kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2012 khoảng 15-17% và tổng phương tiện thanh toán khoảng 14-16%.

Đối với chính sách tài khóa, Chính phủ sẽ tăng cường quản lý thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách Nhà nước với mục tiêu giảm bội chi năm 2012 xuống dưới 4,8% GDP và giảm dần trong những năm tiếp theo. Song song với đó, Chính phủ cũng sẽ tăng cường công tác kiểm soát thị trường, giá cả, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, bảo đảm đời sống nhân dân.

Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2012: GDP tăng khoảng 6-6,5%; chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng dưới 10%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%; nhập siêu khoảng 11-12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33,5% GDP.

Các tin khác