Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3

Tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát

(ĐTTC) - Hôm qua 30-3, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết các nội dung chính đã được các thành viên Chính phủ bàn trong thời gian tới là tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo người nghèo, cắt giảm các dự án đầu tư chưa cấp bách…

(ĐTTC) - Hôm qua 30-3, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết các nội dung chính đã được các thành viên Chính phủ bàn trong thời gian tới là tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo người nghèo, cắt giảm các dự án đầu tư chưa cấp bách…

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, quý I, tốc độ tăng GDP ước đạt 5,43%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 3 tháng đầu năm đạt trên 451.800 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2010. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 2,54 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Cả nước có 173 dự án đăng ký mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký mới đạt xấp xỉ  2,04 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt 19,2 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước, gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%). Những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh gồm cao su, dệt may, giày dép, điện tử, máy tính, thủy sản, cà phê…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương trong khi ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô phải chú ý duy trì tăng trưởng sản xuất ở mức hợp lý. Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng cần chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu cho vay theo hướng tập trung, ưu tiên vốn tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ... từng bước giảm lãi suất cho vay.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; khuyến khích tiết kiệm trong toàn bộ nền kinh tế, trong sinh hoạt và đời sống nhân dân; tổ chức tốt thực hiện quy định tiết kiệm 10% chi thường xuyên; kiên quyết rà soát, cắt giảm đầu tư công, các công trình chưa cấp bách, kém hiệu quả.  Theo tính toán, trong việc triển khai đồng bộ Nghị quyết 02 và Nghị quyết 11 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã không khởi công một số dự án chưa cấp thiết, cắt giảm, điều chuyển vốn các dự án kém hiệu quả, triển khai chậm hoặc không có điều kiện triển khai… với tổng số vốn cắt giảm gần 3.400 tỷ đồng.

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, bình ổn giá; chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm hơn đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách và người làm công ăn lương; công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Các tin khác