Tiền hậu bất nhất

Cuối tuần trước, tuyên bố không điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của Bộ Tài chính như một gáo nước lạnh đổ vào kỳ vọng của người tiêu dùng về việc giảm giá xăng dầu trong bối cảnh giá dầu thô thế giới giảm liên tục. Theo Bộ Tài chính, kể từ sau ngày 10-6-2011, thời điểm điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu với dầu diezel và dầu hỏa, giá mặt hàng xăng, dầu trên thị trường thế giới có nhiều biến động.

Cuối tuần trước, tuyên bố không điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của Bộ Tài chính như một gáo nước lạnh đổ vào kỳ vọng của người tiêu dùng về việc giảm giá xăng dầu trong bối cảnh giá dầu thô thế giới giảm liên tục. Theo Bộ Tài chính, kể từ sau ngày 10-6-2011, thời điểm điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu với dầu diezel và dầu hỏa, giá mặt hàng xăng, dầu trên thị trường thế giới có nhiều biến động.

Tính bình quân từ ngày 10-6 đến 7-7, giá dầu thô giảm 4,95%, giá xăng giảm 0,96%, dầu diezel giảm khoảng 0,52%, dầu hỏa giảm 0,84%, riêng dầu mazut lại tăng 0,91%. Những ngày gần đây giá dầu thô bỗng tăng trở lại và tiến gần sát mốc 99USD/thùng. Xăng dầu nhập khẩu thành phẩm cũng tăng ở mức tương ứng khiến doanh nghiệp chưa đủ bù đắp chi phí.

Do vậy, theo Bộ Tài chính, việc giảm giá bán lẻ lúc này là chưa thể tính đến. Một lý do khác được bộ này đưa ra là nếu so với Trung Quốc, Lào, Campuchia giá xăng của Việt Nam đang ở mức thấp hơn 4.048-5.225 đồng/lít và diezel thấp hơn 2.750-5.281 đồng/lít.

Những giải thích về lý do không giảm giá bán xăng dầu của Bộ Tài chính dường như chưa thỏa đáng, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Cuối tháng 3, sau khi tăng mạnh giá xăng dầu, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã nêu nguyên tắc:

Sau lần điều chỉnh giá xăng dầu ngày 29-3, trong thời gian tới tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Nếu giá thế giới tăng sẽ điều chỉnh giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và thực hiện giảm giá bán (nếu có điều kiện).

Thực tế, sau một thời gian giá dầu thô trên thế giới giảm, vào ngày 9-6 Bộ Tài chính đã tái áp mức thuế 5% đối với mặt hàng dầu hỏa và diezel, đồng thời cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trích trả cho quỹ bình ổn giá 100 đồng/lít xăng. Cần lưu ý quỹ bình ổn giá lâu nay được hình thành từ sự đóng góp của người tiêu dùng cho mỗi lít xăng dầu vào khoảng 300-500 đồng và được đặt tại chính doanh nghiệp.

Theo nguyên tắc bình thường, khi giá xăng dầu trên thế giới tăng, bước đầu Bộ Tài chính giảm thuế, bước hai doanh nghiệp được dùng quỹ bình ổn giá để bù lỗ và bước ba là tăng giá bán lẻ.

Như thế, về chiều ngược lại, khi giá xăng dầu thế giới giảm, Bộ Tài chính đã tăng thuế để bù đắp nguồn thu, doanh nghiệp đã trích trả cho quỹ bình ổn giá, lẽ ra phải đến bước thứ ba là giảm giá bán lẻ. Vậy mà điều này lại không xảy ra, cũng có nghĩa cơ quan quản lý chưa sòng phẳng với chính nguyên tắc do mình đặt ra.

Lâu nay, điều hành giá xăng dầu được dựa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Dường như, trong lần này, khi giá xăng dầu thế giới giảm, quyền lợi của người tiêu dùng đã bị xem nhẹ. Và lớn hơn là lợi ích chung của nền kinh tế bị ảnh hưởng khi lạm phát vẫn đang là thách thức rất lớn trong thời gian tới.

CPI tháng 6 có chiều hướng tăng thấp nhưng CPI tháng 7 có thể sẽ tăng mạnh trở lại khi từ đầu tháng đến nay, giá lương thực - thực phẩm (nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI) tăng đột biến. Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, có tác động lớn tới nhiều mặt của nền kinh tế. Nếu giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh giảm tại thời điểm này, sẽ tạo hiệu ứng tích cực ngăn chặn đà tăng lạm phát.

Trở lại với sự so sánh về mức giá bán lẻ xăng dầu ở nước ta với một số quốc gia láng giềng Bộ Tài chính đưa ra, nếu chỉ nhìn vào con số thì có thể thấy rất thuyết phục. Nhưng thực tế tại Trung Quốc, Lào và Campuchia, các khoản thuế và phí đánh vào mặt hàng xăng dầu cao hơn nhiều so với Việt Nam.

Một số chuyên gia kinh tế cho biết nếu Việt Nam áp dụng mức thuế và phí như họ, giá bán lẻ xăng dầu còn cao hơn nhiều. Hơn nữa, hoàn cảnh kinh tế xã hội ở mỗi nước đều khác nhau, nên sự so sánh đó chưa hẳn hợp lý, đó là chưa kể nếu tính trên mặt bằng thu nhập của người dân mỗi nước.

Dù rất chia sẻ khó khăn với Chính phủ và các doanh nghiệp, nhưng điều người tiêu dùng cần là sự sòng phẳng và minh bạch. Và để làm rõ việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện có bị lỗ hay không rất cần kiểm toán độc lập vào cuộc.

Khi có kết quả kiểm toán, nếu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lỗ thì cho tăng giá, lãi phải giảm giá, người dân sẽ đồng thuận, ủng hộ, tránh tình trạng hoài nghi như hiện nay.

Các tin khác