Thuê cơ quan độc lập đánh giá dự án ODA

Mục đích là để bảo đảm tính khách quan, minh bạch khi thực hiện các chương trình, dự án ODA.

Mục đích là để bảo đảm tính khách quan, minh bạch khi thực hiện các chương trình, dự án ODA.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23-4-2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Theo đó, sẽ có nhiều cơ quan được kêu gọi vốn ODA. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và các nhà tài trợ chuẩn bị nội dung và tổ chức Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) hằng năm, các hội nghị vận động ODA và vốn vay ưu đãi ở cấp quốc gia, liên ngành, liên địa phương.

Trường hợp các cơ quan chủ quản có nhu cầu vận động ODA và vốn vay ưu đãi nhân dịp các cuộc đi thăm hoặc đàm phán cấp cao của Đảng và Nhà nước, cơ quan chủ quản phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đề xuất nội dung vận động ODA và vốn vay ưu đãi trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định để đưa vào chương trình làm việc, đàm phán với các nước và tổ chức tài trợ.

Đối với các cơ quan cấp Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cũng được chủ trì tổ chức hội nghị vận động ODA và vốn vay ưu đãi theo ngành, lĩnh vực và địa phương. Nhưng trong quá trình chuẩn bị và tổ chức hội nghị vận động ODA và vốn vay ưu đãi theo ngành, lĩnh vực và địa phương, cơ quan chủ trì tổ chức ở các cấp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan về chủ trương, chính sách vận động ODA và vốn vay ưu đãi theo ngành, lĩnh vực và địa phương; chương trình, chiến lược và định hướng hợp tác giữa Việt Nam và các nhà tài trợ.

Dự thảo Thông tư cũng quy định: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ quản và nhà tài trợ xây dựng kế hoạch hàng năm về đánh giá tác động các chương trình, dự án. Đánh giá tác động do cơ quan chủ quản chủ trì và thuê chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập thực hiện. Đối với các dự án quan trọng quốc gia, việc đánh giá tác động là do cơ quan tư vấn độc lập được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn, phê duyệt hoặc uỷ quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn. Đánh giá tác động được tiến hành trong vòng 3 năm kể từ ngày đưa chương trình, dự án vào khai thác, sử dụng

Dự thảo Thông tư còn quy định: Để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, công tác đánh giá chương trình, dự án phải được tiến hành bởi chuyên gia hoặc nhóm chuyên gia, tư vấn độc lập được thuê tuyển theo các quy định hiện hành, có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết. Chủ dự án phải phối hợp với nhà tài trợ xác định thời gian và kinh phí cho công tác đánh giá ngay từ giai đoạn thiết kế văn kiện chương trình, dự án.

Các tin khác