Thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA

(ĐTTCO)-Tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới.
Thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA
Chiều 17-6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, chủ trì cuộc họp giữa ban chỉ đạo và nhóm 6 ngân hàng tài trợ Việt Nam, gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Cuộc họp nhằm thống nhất các biện pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong bối cảnh những năm gần đây tỷ lệ giải ngân của nhóm 6 ngân hàng trên có xu hướng giảm.

Tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới (khoảng 80% là của các ngân hàng trên). Trong số 80 tỷ USD, 7 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại, trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% và 1,62 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại. Các nhà tài trợ đều có chung đánh giá Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay và đây cũng là một trong những lý do các nhà tài trợ vẫn tiếp tục cam kết dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong những năm qua.

Theo báo cáo đánh giá kết quả các dự án JICA, ADB, WB, các dự án của cả 3 nhà tài trợ này tại Việt Nam đạt kết quả cao hơn, tốt hơn các quốc gia khác (Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Sri Lanka) trên cơ sở hệ thống tiêu chí của các nhà tài trợ này.

Năm 2018, tổng số vốn cam kết của 6 ngân hàng là 28,9 tỷ USD nhưng vốn cam kết chưa giải ngân hiện vẫn ở mức cao, khoảng 16,9 tỷ USD, bằng 7%GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tỷ lệ giải ngân tại Việt Nam giảm từ mức cao 23,1% năm 2014 xuống còn 11,2% trong năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của nhóm 6 ngân hàng, trong đó tỷ lệ giải ngân toàn cầu của ADB và WB năm 2018 lần lượt là 21% và 20,2%.

Nếu Việt Nam đạt được tỷ lệ giải ngân 21% trong năm 2018, sẽ giải ngân thêm được 1,8 tỷ USD, bằng khoảng 0,75% GDP. Tốc độ giải ngân chậm dẫn đến dự án bị trì hoãn, thậm chí không đạt được kết quả phát triển, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư, do đó làm giảm tác động đến tăng trưởng GDP.

Các tin khác