Thúc đẩy giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

Bộ Xây dựng cũng thừa nhận sau 2 tháng thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc từ phía ngân hàng và các địa phương, khiến tốc độ giải ngân gói hỗ trợ vay mua nhà trở nên chậm trễ.

Cuối tuần trước, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết tính đến cuối tháng 7-2013 có 4 ngân hàng cam kết cho vay 150 khách hàng cá nhân với số tiền 46,02 tỷ đồng. Trong đó các ngân hàng đã giải ngân được 33,46 tỷ đồng cho 139 khách hàng.

Bộ Xây dựng cũng thừa nhận sau 2 tháng thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc từ phía ngân hàng và các địa phương, khiến tốc độ giải ngân gói hỗ trợ vay mua nhà trở nên chậm trễ. 

Trong bối cảnh sức ép nhà ở lên các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM đang rất căng thẳng, những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tạo điều kiện cho người dân có cơ hội sở hữu một chốn an cư, thực sự là một việc đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ về sự mong đợi của người dân, sau hơn 2 tháng gói này được triển khai, kết quả còn rất hạn chế. Và nếu so với nhu cầu của hàng triệu người dân đô thị có nguyện vọng được vay vốn để cải thiện chỗ ở, quả thực đây là con số quá ít ỏi.

Không khó để thấy những vướng mắc, rào cản chính mà người dân đang phải tìm mọi cách vượt qua trong quá trình vay vốn. Đầu tiên là xin xác nhận về hiện trạng nhà ở với muôn vàn thủ tục rắc rối. Tiếp đến, quy định bắt buộc phải ký hợp đồng 3 bên khách hàng - ngân hàng - chủ đầu tư khiến hồ sơ khách hàng bị chựng lại vì chủ đầu tư cho rằng quá nhiều rủi ro mà họ không đáng phải gánh. Kế tiếp, tài sản thế chấp, thu nhập để trả nợ với những đòi hỏi cao và rất thận trọng của ngân hàng theo quy định hiện hành, là cửa ải lớn không phải khách hàng nào cũng vượt qua được.

Điểm khó khăn nhất là làm cách nào hóa giải, giản lược những thủ tục, những rào cản, giúp người dân tiến gần hơn với nguồn vốn ưu đãi.

Tuy nhiên, những thông tin trái chiều và sự chưa thống nhất giữa các đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc cho vay vốn, dường như cho thấy khó khăn sẽ còn tiếp diễn. Cụ thể, đại diện các ngân hàng được giao nhiệm vụ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho rằng họ đang rất tích cực triển khai công tác này.

Theo đó, tại hội sở chính và các chi nhánh đều đã thành lập các bộ phận chuyên trách thực hiện giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, thường xuyên xem xét các vướng mắc để đề đạt cấp trên để tháo gỡ, đẩy nhanh việc triển khai...

Trong khi đó, doanh nghiệp, người dân cho biết một số chi nhánh ngân hàng từ chối cho vay, với lý do đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Chính đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận 5 ngân hàng được giao nhiệm vụ giải ngân chưa nhận thức hết được vấn đề nên còn vấp váp. Và cơ quan này sẽ chỉ đạo sát sao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Còn lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng nguyên nhân chính khiến tiến độ giải ngân chậm do chưa có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 để người dân lựa chọn ký hợp đồng mua và thỏa mãn điều kiện vay. Ngoài ra, việc xem xét cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí vay đang thực hiện rất chậm, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM.

Vấn đề đặt ra hiện nay là việc sửa đổi, giải quyết tình trạng này sẽ được thực hiện như thế nào khi nguyên nhân vướng mắc đã rõ, các cơ quan chức năng cũng đã nhận thấy được những thiếu sót? Ngân hàng mở rộng hầu bao hơn, ngành xây dựng xây nhiều nhà giá rẻ, nhà thu nhập thấp hơn và người dân cần phải kiên nhẫn hơn, có lẽ là câu trả lời lý tưởng, chính xác nhưng mang tính dài hạn.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cần đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân cho vay đối với các đối tượng được vay hỗ trợ nhà ở trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng; tinh giảm thủ tục xem xét, thẩm định cho các chủ đầu tư dự án có nhu cầu điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục tiêu dự án sang nhà ở xã hội.

Hy vọng rằng với sự dốc sức của các cơ quan chịu trách nhiệm, tiến độ giải ngân dành cho những người có nhu cầu mua nhà ở sẽ được cải thiện. Có như thế, chính sách tốt đẹp, ý nghĩa này mới thực sự đi sâu vào cuộc sống, tạo sự lan tỏa đối với thị trường bất động sản nói riêng, kích hoạt hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung như mục tiêu Nghị quyết 02 đề ra.

Các tin khác