Thủ tướng yêu cầu minh bạch trách nhiệm giải trình

Tại hội nghị ngày 21-1 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc tới “trách nhiệm giải trình” trước nhân dân như một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước phục vụ, Nhà nước kiến tạo phát triển.

Tại hội nghị ngày 21-1 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc tới “trách nhiệm giải trình” trước nhân dân như một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước phục vụ, Nhà nước kiến tạo phát triển.

Không phải ngẫu nhiên mà Người đứng đầu Chính phủ đề cập tới trách nhiệm giải trình tại hội nghị này. Bởi, như Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ là bảo đảm thông tin, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho công chúng.

Đề cập tới chức năng, nhiệm vụ này của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã không chỉ cập nhật hằng ngày, hằng giờ các chỉ đạo điều hành, hoạt động của Chính phủ, của các bộ, ngành, mà còn tiếp nhập các ý kiến phản hồi về mọi chủ trương, chính sách để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng thời giải đáp để người dân hiểu những vấn đề mà họ thấy còn vướng mắc.

Các chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, “Người dân và Chính phủ”… đã trở thành những “cây cầu thông tin” giữa Chính phủ với người dân, không chỉ để Chính phủ “nói cho dân nghe” mà còn “nghe người dân nói”.

Đầu năm 2012, từ đề xuất của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức giao Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp triển khai Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời".

Sau sự ra đời của website Chính phủ, nay là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, và sau hàng loạt cuộc đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ giữa các thành viên Chính phủ với nhân dân, gây được tiếng vang lớn, đây được coi là một bước tiến mới của Văn phòng Chính phủ trong công tác cung cấp thông tin cho công chúng và bảo đảm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phải thừa nhận rằng, không ít cán bộ, công chức Nhà nước vẫn coi việc minh bạch và công khai thông tin cũng như giải trình trước công chúng là một “sức ép” hơn là một trách nhiệm tự thân, chưa nói đến việc coi xuất hiện trên báo chí là một cơ hội.

Do đó, việc cơ quan Nhà nước chủ động xây dựng một diễn đàn để báo chí và người dân “chất vấn” những vấn đề nóng bỏng nhất rõ ràng là một sự thay đổi lớn. Và với sự quyết liệt của Thủ tướng, các chương trình này đã đều đặn lên sóng hằng tuần và cùng với đó, các vấn đề bức xúc nhất với dư luận lần lượt được các “tư lệnh ngành” giải đáp.

Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã lần đầu tiên công khai nhiều yếu tố liên quan đến việc định giá xăng dầu, chỉ vài ngày sau cam kết của người đứng đầu Bộ này trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”. Cũng phải nói rằng, vấn đề giá xăng dầu đã trở đi trở lại trong chương trình này rất nhiều lần, kể từ khi chương trình lên sóng.

Việc làm này của Bộ Tài chính ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh từ báo chí và dư luận, không chỉ bởi đặc thù hết sức nhạy cảm của giá xăng dầu. Với người dân, đây là một động thái đầu tiên sau yêu cầu dứt khoát được Thủ tướng đưa ra với tất cả các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2014, đó là “chúng ta bây giờ cái gì cũng phải minh bạch hết”.

Thông điệp “tất cả phải được minh bạch” còn được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, ở nhiều diễn đàn khác nhau, kể cả trong bài viết đầu năm mới 2014 thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Nhấn mạnh đến vai trò của một Nhà nước trong việc phục vụ nhân dân nhưng không phải theo cách thức cũ, mà Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, tức là không làm thay, “ôm đồm” mọi việc, mà tạo ra các cơ chế chính sách, tạo điều kiện để người dân và xã hội năng động phát huy tối đa các nguồn lực phát triển, Thông điệp đầu năm của Thủ tướng yêu cầu “mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch”. Nói rộng ra, các quyết định đó, dân phải có quyền được biết, được góp ý, phản hồi, chất vấn, được cơ quan Nhà nước giải thích và trả lời…

Cùng với đó, phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá  trình xây dựng chính sách, nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách, mở rộng đối thoại với người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để Nhà nước, cán bộ, công chức gần dân hơn và chủ trương, chính sách, pháp luật sát với thực tiễn hơn…

Có nhiều giải pháp, cách thức khác nhau, nhiều “kênh” khác nhau để thực hiện những yêu cầu trên của Thủ tướng, mà trong đó Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đóng vai trò hết sức quan trọng, khi theo đánh giá của Thủ tướng, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã trở thành một “Trung tâm thông tin chính thống”, một trong những cơ quan thông tin chủ chốt của Chính phủ.

Thủ tướng chỉ rõ, mọi công bộc của dân, cả các thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ và cả Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm giải trình, giải đáp về chính sách hoặc những vấn đề người dân nêu lên, thông qua Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, “Người dân và Chính phủ” hoặc các chương trình khác mà Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức thực hiện.

Công khai minh bạch hơn gắn với trách nhiệm giải trình để phục vụ  người dân tốt hơn, đó là yêu cầu tất yếu của cuộc sống đặt ra với các cơ quan hành chính Nhà  nước. Hơn bất cứ cơ quan thông tin-báo chí nào, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có vai trò đặc biệt trong việc thực hiện yêu cầu tất yếu đó.

Các tin khác