Thu hẹp khoảng cách thu nhập

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, hiện nay chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam là 9,2 lần.

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, hiện nay chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam là 9,2 lần.

Theo đó, thu nhập bình quân của người dân 1,387 triệu đồng/người/tháng, trong đó nhóm nghèo nhất thu nhập 369.000 đồng/người/tháng so với thu nhập trung bình của nhóm giàu nhất lên tới trên 3,4 triệu đồng. Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2010 tại 12 tỉnh, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện, cũng cho thấy ngay trong những gia đình nông thôn, giãn cách giàu nghèo ngày càng rộng. Mức thu nhập bình quân thấp nhất là Quảng Nam với trung bình 42 triệu đồng/hộ/năm, tiếp đến là Lai Châu 46 triệu đồng/hộ/năm, trong khi cao nhất là Long An 114 triệu đồng/hộ/năm.

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, khoảng cách giàu - nghèo không chỉ là một chỉ tiêu kinh tế, mà còn phản ánh sự gắn kết và thể hiện sự bình đẳng trong xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, khoảng cách giàu - nghèo ắt sẽ nảy sinh. Nhưng sự bền vững của phát triển ở các nước trên thế giới, đặc biệt ở một nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, không chấp nhận khoảng cách giàu - nghèo phân cực quá lớn so với ngưỡng cho phép.

Dù chưa thể khẳng định con số chênh lệch gần 10 lần đã đến một ngưỡng nào đó hay chưa, nhưng rõ ràng đây là vấn đề xã hội cần được nghiên cứu một cách thấu đáo. Trong bối cảnh những năm qua nền kinh tế nước ta luôn đứng trước nguy cơ lạm phát rình rập, nhóm người nghèo dễ bị tổn thương nhất, khoảng cách về giàu - nghèo càng đặt ra những thách thức lớn. Có một thực tế quốc gia nào cũng đối mặt là bất bình đẳng thu nhập khi mới phát triển, tức khả năng hưởng thành quả tăng trưởng giữa các tầng lớp dân cư chênh lệch nhau.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia thành công về xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng dù những năm gần đây tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, song kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo rất lớn (70-80%), tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm so với tổng số hộ thoát nghèo còn cao (7-10%). Theo chuẩn nghèo mới áp dụng từ năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo cả nước chiếm 15-17%, người nghèo tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng 90%.

Nhiều chuyên gia đã từng khuyến cáo nước ta sẽ gặp một thách thức là sự xuất hiện của nhóm nghèo mới do đất nông nghiệp bị thu hồi để chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Vì thế, tác động xã hội của quá trình đô thị hóa phải được đánh giá cẩn thận và cân nhắc đầy đủ trong quy hoạch đô thị, để có những chính sách kèm theo và những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, dường như những cảnh báo này chưa được quan tâm đúng mức.

Trong khi đó, vài năm gần đây khi nói đến khoảng cách giàu - nghèo, người ta hay bàn đến các nhóm lợi ích. Theo đó, khi phát triển kinh tế thị trường, nếu không điều tiết hài hòa lợi ích, khoảng cách giàu - nghèo càng giãn ra là điều tất yếu. Không phải ngẫu nhiên mà đề xuất “nới vốn” mới đây cho thị trường bất động sản được nhiều người xem chỉ để “cứu” nhóm những người giàu?

Giải pháp trước mắt để giảm chênh lệch giàu - nghèo là làm sao duy trì sự ổn định vĩ mô, cân bằng lợi ích giữa nhóm cần tăng trưởng và sự phát triển hài hòa của xã hội. Bên cạnh đó, cần tái cấu trúc nền kinh tế để thay đổi những bất hợp lý đang bộc lộ. Trong đó cần đặc biệt chú ý phân bổ lợi ích cho nông dân nhiều hơn. Trên thực tế, đây cũng là mục tiêu Chính phủ đang hướng tới, thể hiện rõ nhất trong các giải pháp của Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, vừa tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh “tam nông” là vấn đề chiến lược, hệ trọng của đất nước và là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Nhiệm vụ đặt ra tiếp theo là tiếp tục đưa Nghị quyết 26 đi vào cuộc sống và trở thành phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng nhân dân. Quyết tâm chính trị này được triển khai hiệu quả trong cuộc sống sẽ là nhân tố quan trọng để nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, cân đối hài hòa các nhóm lợi ích, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo ở nước ta.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin khác