Thị trường hàng hóa đối mặt nhiều khó khăn

Thị trường hàng hóa những tháng cuối năm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như sức ép lạm phát cao, giá cả hàng hóa tăng... là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo "Diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2011".

Thị trường hàng hóa những tháng cuối năm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như sức ép lạm phát cao, giá cả hàng hóa tăng... là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo "Diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2011".

Hội thảo do Cục quản lý giá và Viện kinh tế-tài chính tổ chức ngày 12-7, tại Hà Nội.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, trong những tháng cuối năm này, cùng với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội thì các chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa đang có những tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô.

Ảnh TTXVN
Ảnh TTXVN

Tuy nhiên, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng không thể giữ nguyên các biện pháp đó trong dài hạn, vì như thế sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến mục tiêu tăng trưởng. Do vậy, trong 6 tháng cuối năm sự thắt chặt có thể được nới lỏng từng bước.

Các chuyên gia cũng nhận định, Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với một số bài toán không dễ tìm lời giải từ một phía trong thời hạn ngắn hạn như lạm phát và mặt bằng lãi suất còn duy trì ở mức cao, nhập siêu lớn và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Chỉ tiêu tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong khoảng 15-17% cũng chưa hoàn toàn được khẳng định là có thể thành hiện thực, bởi vì đến tháng 6/2011, CPI đã là 13,29% và kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy giá cả trong tháng 8, 9, 10 có thể tăng chậm, song đến tháng 12 thường tăng cao.

Hơn nữa, chỉ số giá sản xuất (PPI) trong 6 tháng đầu năm tăng nhanh có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến CPI những tháng cuối năm 2011.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết bên cạnh những yếu tố tích cực như giá dầu thô trên thế giới đang ổn định, nguồn cung lương thực thực phẩm gia tăng trong thời gian tới, lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm, thị trường hàng hóa hiện cũng đang phải chịu nhiều tác động của các yếu tố tăng giá như nhiều mặt hàng hóa của thế giới có xu hướng tăng cao, giá điện có khả năng sẽ tiếp tục được điều chỉnh để bù đắp chi phí, đặc biệt là chu kỳ tăng hàng hóa vào dịp cuối năm.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Anh, Viện Kinh tế-Tài chính, cũng phân tích việc giá cả tăng nhanh và nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là hiệu quả hoạt động của nền kinh tế thấp, đặc biệt là sự yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao đang gây mất lòng tin vào đồng tiền Việt Nam và nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, để thực sự kiềm chế lạm phát, giảm tốc độ tăng giá, Bộ Tài chính khẳng định, 6 tháng cuối năm cần tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, đảm bảo ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; đặc biệt chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả. Ngoài ra, cần kiên trì và nhất quán điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Các tin khác