Thêm trường hợp không phải kê khai, nộp thuế GTGT

Điểm nổi bật của Nghị định 209/2013/NĐ-CP là từ ngày 1-1-2014, sẽ có thêm nhiều trường hợp không phải kê khai, nộp thuế GTGT.

Điểm nổi bật của Nghị định 209/2013/NĐ-CP là từ ngày 1-1-2014, sẽ có thêm nhiều trường hợp không phải kê khai, nộp thuế GTGT.

Tại Kỳ họp thứ năm Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật số 31/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014.

Để Luật đi vào cuộc sống và bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện, đồng thời tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thu và cũng là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT hợp nhất để thay thế Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 8-12-2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27-12-2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

Tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về vốn

Nghị định đã quy định chi tiết những nội dung của Luật mới được Quốc hội giao thẩm quyền cho Chính phủ như: Hướng dẫn chi tiết về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư và xuất khẩu, nâng thời hạn hoàn thuế GTGT từ 3 tháng lên 12 tháng hoặc 4 quý và cơ chế hoàn thuế đối với dự án đầu tư mới chưa có doanh thu; xác định mức doanh thu hàng hoá, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh không chịu thuế GTGT là từ 100 triệu đồng trở xuống; mức ngưỡng doanh thu 1 tỷ đồng/năm trở lên đối với doanh nghiệp để áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT; hướng dẫn xử lý thuế GTGT đầu vào khi đã chuyển đổi phương pháp; hướng dẫn tiêu chí để áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu...

Ngoài ra, Nghị định có quy định mới về việc doanh nghiệp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và khắc phục một số vướng mắc trong thực tiễn, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hàng nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã với lý do: Thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp trên kinh doanh thương mại lợi dụng quy định này mua hàng của nông dân (không chịu thuế GTGT) sau đó mua hóa đơn có thuế 5% để hợp thức đầu vào lòng vòng qua nhiều doanh nghiệp sau cùng bán cho doanh nghiệp xuất khẩu để doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn thuế.

Quy định nêu trên không ảnh hưởng đến số thu của ngân sách nhà nước mà sẽ góp phần giảm gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế đối với hàng hóa là nông, lâm, thủy sản. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu do không phải ứng vốn trả thuế đầu vào sau đó kê khai được để được khấu trừ, hoàn thuế.

Thứ hai, chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT: Do dự án đầu tư được chuyển nhượng thường có giá trị lớn dẫn đến khó khăn về vốn cho doanh nghiệp (đơn vị nhận chuyển nhượng phải bố trí một khoản vốn lớn để thanh toán tiền thuế và kê khai, khấu trừ chờ hoàn thuế).

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, việc thu xếp vốn để trả thuế, nhất là đối với những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mà nếu tính thuế khi chuyển nhượng có số thuế GTGT phải trả hàng trăm tỷ đồng, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp chuyển nhượng và doanh nghiệp nhận chuyển nhượng, không khuyến khích đầu tư và tái cơ cấu nền kinh tế trong khi thu ngân sách không tăng thêm do nộp rồi lại được hoàn.

Nếu không thu thuế GTGT đối với chuyển nhượng dự án đầu tư thì phản ánh đúng thực chất số thu của ngân sách (vì kê khai, nộp thuế thì số thu vào Ngân sách địa phương, sau đó hoàn thuế từ Ngân sách Trung ương).

Quy định như vậy, vừa cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về vốn.

Góp phần tiết kiệm chi phí xã hội

Thuế GTGT là một sắc thuế có số thu ngân sách lớn nhất trong hệ thống chính sách thuế hiện nay. Với các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Nghị định sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người nộp thuế nộp đúng và đủ số thuế phải nộp và cơ quan thuế thuận lợi hơn trong quá trình kiểm tra việc kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp.

Việc ban hành Nghị định đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, minh bạch, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế của các doanh nghiệp qua đó góp phần tiết kiệm chi phí xã hội.

Quy định mức doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống để xác định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh không chịu thuế GTGT nhằm đảm bảo rõ ràng, tạo thuận lợi cho hộ, cá nhân kinh doanh tự xác định có phải kê khai, nộp thuế GTGT hay không. Hiện hành, hộ cá nhân kinh doanh phải tự so sánh mức thu nhập với mức lương tối thiểu, mà mức lương tối thiểu được quy định theo vùng và điều chỉnh thường xuyên nên các hộ kinh doanh không thể tự xác định được có thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế GTGT hay không.

Ngoài ra, việc quy định cơ chế ngưỡng doanh thu 1 tỷ đồng/năm trở lên đối với doanh nghiệp để áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT đã góp phần đơn giản hóa công tác quản lý thuế, giảm chi phí quản lý cho cơ quan thuế và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, nhất là đối với các đối tượng nộp thuế có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Việc bổ sung quy định cho phép các cơ sở kinh doanh dưới ngưỡng có thể tự nguyện đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ nếu đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ sẽ góp phần lành mạnh hóa, nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh. Đây cũng là phương thức được nhiều nước trên thế giới áp dụng để khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sử dụng hóa đơn, chứng từ trong sản xuất, kinh doanh.

Như vậy các nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tới và phù hợp với thông lệ quốc tế; góp phần đơn giản thủ tục và tiết kiệm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và giảm chi phí quản lý cho cơ quan thuế, từng bước theo lộ trình triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đã được ban hành.

Các tin khác