Thêm nguồn lực phát triển bền vững ĐBSCL

(ĐTTCO) - Tại Diễn đàn ĐBSCL năm 2019 do Chính phủ tổ chức tại TPHCM hôm qua 18-6, PV Báo SGGP đã ghi lại các đề xuất, ý kiến tâm huyết của các đại biểu muốn đóng góp giải pháp phát triển vùng.

Một góc chợ nổi Cái Răng. Ảnh: DUY KHƯƠNG

Một góc chợ nổi Cái Răng. Ảnh: DUY KHƯƠNG

LTS: Nghị quyết 120/NQ-CP thể hiện sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh phát triển vùng đồng bằng sông Cửa Long (ĐBSCL) theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Sau 2 năm ban hành và thực thi, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Tại Diễn đàn ĐBSCL năm 2019 do Chính phủ tổ chức tại TPHCM hôm qua 18-6, PV Báo SGGP đã ghi lại các đề xuất, ý kiến tâm huyết của các đại biểu muốn đóng góp giải pháp phát triển vùng.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: 
                             Tăng thêm 45.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng
Từ năm 2017 đến nay, tăng trưởng vùng khá, thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng kết nối giao thông giữa tiểu vùng và vùng ĐBSCL với TPHCM còn hạn chế. Cơ cấu kinh tế chưa bền vững do nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao, kết nối thị trường trong nước cũng như nước ngoài chưa mạnh. Hoạt động xúc tiến thương mại chưa được đầu tư đúng mức. Do vậy, nhìn chung thu nhập bình quân đầu người vùng còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo cao, nguồn nhân lực có tay nghề còn hạn chế.
Trong phạm vi của mình, Bộ KH-ĐT đã hoàn thành việc chọn tư vấn quốc tế xây dựng quy hoạch toàn vùng 2020, tầm nhìn 2030 và hướng đến 2050; cơ chế điều phối vùng, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư nông nghiệp trong vùng. Bộ đã tổng hợp và trình Chính phủ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2020 - 2025, đồng thời bổ sung ngân sách đầu tư các dự án kè sông, kè biển chống sạt lở là 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, để có thể giảm thiểu tác động BĐKH đến vùng ĐBSCL, cần thiết phải có sự hỗ trợ ngân sách từ trung ương và nguồn vốn này phải đủ lớn để tháo điểm nghẽn phát triển vùng. Bộ cũng đã tính toán và trình Chính phủ tổng vốn cần thiết tăng thêm và để riêng phục vụ đầu tư dự án vùng ĐBSCL và dự án cấp bách là khoảng 45.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phải tăng thêm nguồn vốn bổ sung bằng cách tăng khả năng tiếp cận nguồn quỹ tài chính khác, từ các tổ chức quốc tế.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể:
                                               Kết nối giao thông vùng
Thời gian qua, việc dành kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông cho khu vực ĐBSCL chưa tương xứng. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ GTVT lên kế hoạch phát triển giao thông vùng theo cả hướng dọc, kết nối thông thương với TPHCM và hướng ngang, kết nối đến Campuchia, có tính đến kết hợp phát triển hệ thống giao thông thủy (kênh Chợ Gạo) nối trực tiếp lên TPHCM để giảm tải giao thông đường bộ. Hiện bộ đã phối hợp với các tỉnh thành hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và một số đường kết nối trung tâm vùng ĐBSCL… 
Bộ GTVT cũng đã bố trí hơn 10.600 tỷ đồng đầu tư một số tuyến đường như QL30, cầu Mỹ Thuận 2… Ngoài ra, còn một số dự án về đường bộ kết nối vùng với TPHCM cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ đầu tư trong thời gian tới như tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ (hoàn thành sớm), nâng cấp QL60, cầu Rạch Miễu 2, tuyến đường xuyên từ Đồng Tháp Mười kết nối tứ giác Long Xuyên, Vành đai 3 và 4 của TPHCM kết nối vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ nhưng không đi xuyên trung tâm TPHCM. Ngoài ra, còn một số tuyến đường trục ngang liên kết vùng với Campuchia cũng sẽ được thúc đẩy hoàn thiện sớm.
Song song đó, bộ tham mưu Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hệ thống vận chuyển hàng hóa đường thủy để giảm tải đường bộ. Về lâu dài, bộ trình chính phủ quy hoạch cảng biển nước sâu cho toàn vùng. Lựa chọn vùng không còn khả năng canh tác nông nghiệp và có thuận lợi cho đầu tư cảng nước sâu. Mặt khác, xây dựng trung tâm logistics tại Cần Thơ, tạo điều kiện tập kết hàng hóa trước khi xuất khẩu, giúp giảm tải giao thông, giảm chi phí vận chuyển, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Quan trọng hơn là giải quyết vấn đề an sinh tại chỗ cho người dân địa phương, tránh tình trạng người dân vùng đang phải di dời đến TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai làm việc và sinh sống. Để có thể làm được, Chính phủ cần thiết bố trí nguồn ngân sách chiếm tỷ trọng 20% tổng ngân sách đầu tư cho giao thông cả nước.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh:
                                   Phân vùng kinh tế nông nghiệp phù hợp
Trước tình hình biến đổi khí hậu, ĐBSCL sẽ chịu tổn thương lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nông nghiệp. Do vậy, cấp thiết tập trung xử lý các yếu tố nội tại, cùng với sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, biến nguy cơ thành thời cơ. Theo đó, nên phát triển nông nghiệp ĐBSCL bền vững theo 3 vùng gồm vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển. Dựa trên biến động về nguồn nước, tính thích nghi về đất đai và nhu cầu thị trường, các ngành hàng chiến lược được phân thành vùng ổn định, vùng chuyển đổi và vùng linh hoạt. Cơ cấu lại sản xuất theo 3 trục sản phẩm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm địa phương - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Vùng thượng phát triển nông nghiệp đa dạng, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan. Vùng giữa phát triển nông nghiệp miệt vườn điển hình, là trung tâm chuyên canh trái cây lớn nhất ĐBSCL và cả nước; đóng vai trò điều tiết nước ngọt cho vùng ven biển. Cuối cùng là vùng ven biển phát triển nông nghiệp dựa chính vào nước mặn và lợ. 
Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dioner:
                      Cam kết huy động 880 triệu USD phát triển ĐBSCL
Ngay sau khi Chính phủ Việt Nam ban hành chính sách hành động xây dựng vùng ĐBSCL bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2017, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cùng với các đối tác phát triển hỗ trợ 1,6 tỷ USD để triển khai các mục tiêu như xây dựng quy hoạch vùng, hệ thống dữ liệu cơ sở làm nền tảng thu hút đầu tư khu vực tư nhân, khoa học, công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng cho người dân ở khu vực nông thôn và thành phố trong các tỉnh trên toàn vùng ĐBSCL. 
Tuy nhiên, phải thấy rằng những diễn biến thời tiết cực đoan từ biến đổi khí hậu vẫn đang là mối nguy cho sự tồn vong của vùng này. Do vậy, trong thời gian tới, cùng với quyết sách hành động của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ và phát triển vùng ĐBSCL, WB và các đối tác phát triển cam kết huy động ít nhất 880 triệu USD để tiếp tục phát huy, giải phóng tiềm năng cho toàn vùng một cách bền vững, thiết thực.
Song song đó, sẽ hỗ trợ các cấp chính quyền trung ương và tỉnh đưa ra các quyết định chiến lược, cũng như triển khai các hành động táo bạo, sáng tạo theo hướng tập trung hơn vào con người, thân thiện với môi trường, thông minh với khí hậu và phù hợp với định hướng của Chính phủ là chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, sản xuất phải hướng đến chi phí ít hơn nhưng tạo ra giá trị lớn hơn. 

Các tin khác