Thể hiện lời hứa với dân

Hôm nay 21-7, kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội. Kỳ họp này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mở đầu cho một nhiệm kỳ mới của Quốc hội, sẽ dành thời gian chủ yếu cho công tác nhân sự cấp cao, sắp xếp tổ chức kiện toàn bộ máy của các cơ quan nhà nước.

Hôm nay 21-7, kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội. Kỳ họp này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mở đầu cho một nhiệm kỳ mới của Quốc hội, sẽ dành thời gian chủ yếu cho công tác nhân sự cấp cao, sắp xếp tổ chức kiện toàn bộ máy của các cơ quan nhà nước.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII đã diễn ra thành công tốt đẹp, 500 ĐBQH khóa mới là những người có đủ đức, đủ tài đã được cử tri lựa chọn. Điều nhân dân đặt kỳ vọng vào các ĐBQH là họ sẽ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước để bầu ra các chức danh cao cấp của đất nước là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, cùng việc phê chuẩn các chức danh khác để bộ máy được kiện toàn, phát huy hiệu quả cao nhất.

Ở bất cứ khía cạnh nào trong đời sống, con người luôn là nhân tố quyết định thành công. Chính vì thế, làm tốt công tác tổ chức nhân sự cấp cao của Nhà nước sẽ là nền tảng để phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước khi được bầu, nhiều ĐBQH khóa XIII đã đưa ra những lời hứa về những điều sẽ thực hiện với tư cách người đại biểu nhân dân tại Quốc hội. Việc tham gia kiện toàn công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao, chính là cơ hội để các ĐBQH khóa mới thực hiện lời hứa của mình trước dân.

Những năm gần đây, hoạt động Quốc hội đã có nhiều đổi mới cả về phương thức và nội dung. Quốc hội đã ghi dấu ấn trên cả 3 mặt công tác là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đã có nhiều dự án luật được trình nhiều lần, hay dự án quan trọng quốc gia không được Quốc hội thông qua, sau khi cân nhắc các mặt lợi - hại đối với đất nước.

Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày càng hiệu quả, là sự giám sát để Chính phủ tăng cường tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt hơn những lời hứa trước dân. Cử tri và nhân dân đánh giá cao về hiệu quả hoạt động, tinh thần đổi mới, dân chủ của Quốc hội khóa XII và tiếp tục đặt niềm tin vào thành công nối tiếp của Quốc hội khóa XIII.

Trước kỳ họp Quốc hội khóa mới, cử tri kỳ vọng các ĐBQH sẽ kế thừa và phát huy được tinh thần công khai, dân chủ, đổi mới toàn diện, mạnh mẽ trong nhiệm kỳ này để đưa đất nước ngày càng phát triển. Bên cạnh việc thực hiện những lời hứa riêng trước cử tri, nhân dân còn đòi hỏi các ĐBQH tiếp tục thực hiện lời hứa của Quốc hội khóa trước, thể hiện sức mạnh nghị trường và giữ “lửa” nghị trường. Bởi, rất nhiều quyết định về quốc kế dân sinh không thể gói trọn trong một khóa Quốc hội.

Mới đây, phát biểu tại cuộc họp về công tác phối hợp tiến hành kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Một nhiệm kỳ của Quốc hội chỉ có 4-5 năm, nhưng trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ là liên tục. Chỉ đạo này rất xác đáng và nói lên ý nguyện cũng như mong muốn của nhân dân, niềm tin của cử tri vào Quốc hội khóa mới.

Bên cạnh công tác tổ chức nhân sự cấp cao, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII sẽ dành thời gian thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2011, các giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm. Đây cũng là nội dung được người dân hết sức quan tâm, bởi những biến động về kinh tế vĩ mô, lạm phát từ đầu năm đến nay đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống của mỗi gia đình.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp kịp thời về tài chính, tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng từ nay đến cuối năm nền kinh tế vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do tác động, ảnh hưởng của những tồn tại, hạn chế nội tại của nền kinh tế và diễn biến phức tạp, khó lường từ bên ngoài. Lạm phát, mặt bằng lãi suất vẫn đang ở mức cao; nhập siêu còn lớn; khu vực sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ; an sinh xã hội, đời sống một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn; còn tiềm ẩn những yếu tố tác động đến ổn định chính trị - xã hội.

Đây là những vấn đề cần được Quốc hội và Chính phủ thảo luận, phân tích kỹ để có giải pháp phù hợp. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét đề xuất của Chính phủ về việc thực hiện một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin khác