Thế giới tạo công cụ mới, Việt Nam tạo cách tính mới

(ĐTTCO)-Tuần rồi Ngân hàng (NH) trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo kế hoạch giảm lãi suất cho vay tham chiếu, thông qua một cơ chế định giá lãi suất mới hướng về thị trường.
Thế giới tạo công cụ mới, Việt Nam tạo cách tính mới
Trước đây, các NH phải dựa trên lãi suất tiêu chuẩn do PBOC công bố để đặt ra các mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp (DN). Song do đây là loại lãi suất phi thị trường, nên tính chất truyền dẫn vào nền kinh tế bị hạn chế đáng kể.
Vài tháng qua, PBOC rất nỗ lực bơm thanh khoản vào hệ thống NH với kỳ vọng kéo giảm lãi suất sâu hơn. Nhưng lãi suất vẫn không giảm, đã vậy phần lớn lượng thanh khoản lại không đến được những người đi vay nhỏ. Rất đơn giản, với cơ chế phi thị trường, các NH không có động lực cho vay đối với các DN nhỏ khu vực tư. 
Với cơ chế mới, 18 NH được chỉ định mỗi tháng sẽ đệ trình PBOC mức lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt nhất của mình, từ đây PBOC sẽ tính ra mức lãi suất trung bình, gọi là LPR (Loan Prime Rate), cũng là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong mặt bằng lãi suất chung.
Cơ chế này cũng giống như dạng lãi suất LIBOR trên thị trường tiền tệ quốc tế. Dựa trên LPR, các NH sẽ thiết lập ra các mức lãi suất thả nổi. NH không được đặt bất kỳ mức sàn ẩn nào trên LPR, như tính phí tư vấn, thẩm định dự án vào lãi suất, nếu không muốn bị PBOC trừng phạt.
Trước mắt, PBOC đã có thêm thứ vũ khí mới để đương đầu với các bất ổn toàn cầu. Tuy vậy, cũng hãy còn quá sớm để đánh giá tác động của cơ chế này nếu như LPR không kết hợp với nhiều công cụ chính sách khác, nhất là chính sách tài khóa.
Điều đáng ghi nhận là LPR có mục đích làm giảm mặt bằng lãi suất chung cho toàn bộ nền kinh tế. Quan trọng hơn, cơ chế LPR là một bước quan trọng trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống NH mà Trung Quốc theo đuổi từ năm 2013.
Giới làm chính sách thừa hiểu, truyền dẫn thật sự của chính sách tiền tệ đến khu vực DN là điều vô cùng khó. Với cơ chế lãi suất phi thị trường, khó khăn càng gấp bội phần. Trong khi đó, LPR là công cụ có tính thị trường hơn với kỳ vọng giúp cho các chính sách nới lỏng hoặc thắt chặt tiền tệ trong tương lai tác động mạnh và nhanh hơn đến nền kinh tế. 
Cơ chế lãi suất phi thị trường không khác dạng chính sách “tình thương mến thương”, kêu gọi lòng trắc ẩn của các NH đối với khu vực tư. NH trung ương bơm thanh khoản vào thị trường, đổi lại họ đề nghị các NH phải giảm lãi suất. Trên thực tế, lòng trắc ẩn hóa ra lại là sự hào phóng mà NH trung ương ban tặng cho hệ thống NH, các công ty lớn và DN nhà nước có điều kiện tiếp cận tín dụng, ngoại trừ các DN vừa và nhỏ.
Dạng chính sách này cũng thấy thấp thoáng đâu đó ở Việt Nam, cho dù cũng bằng các mệnh lệnh phi thị trường, NH Nhà nước đã khá thành công khi giữ cho mặt bằng lãi suất ổn định, nhưng để giảm lãi suất lại là nhiệm vụ hầu như bất khả thi. Trong khi đó, ý tưởng của LPR khá đơn giản.
NH trung ương không yêu cầu các NH phải cắt giảm lãi suất huy động, bởi điều này có thể kích hoạt dòng vốn chảy ra khỏi biên giới, tạo ra bong bóng bất động sản và làm suy yếu tỷ giá, mà chỉ buộc các NH phải giảm lãi suất cho vay như là cách chia sẻ bớt phần lợi nhuận cận biên của họ cho khu vực tư. Cũng đâu phải cho không, khi nền kinh tế hồi phục, lợi ích to lớn sẽ đến với họ sau đó. Liệu Việt Nam có thể học hỏi được gì từ ý tưởng này?
Tuần qua còn chứng kiến nhiều chương trình kích thích kinh tế đa dạng của các nước: Về chính sách thuế, Mỹ cân nhắc kế hoạch giảm thuế các khoản tiền lương, hoặc thu nhập từ thặng dư vốn. Về lãi suất, có thêm hàng loạt nước như New Zealand, Ấn Độ gia nhập thêm vào cuộc đua cắt giảm lãi suất toàn cầu.
Về chi tiêu ngân sách, Thái Lan ngoài việc giảm lãi suất, còn công bố gói kích thích tài khóa trị giá 10,2 tỷ USD hỗ trợ cho người có thu nhập thấp, nông dân và nền kinh tế.
Trong xu thế chung của thế giới, tuần qua cũng chứng kiến thông tin nóng ở Việt Nam.
Đó là việc tính toán lại GDP để khẳng định chính xác vị thế Việt Nam! Để chống chọi với những tác động ngày càng xấu đi của chiến tranh thương mại và bóng ma suy thoái kinh tế, thế giới sáng tạo các công cụ mới, còn Việt Nam cũng tạo cách tính mới để tăng thu nhập bình quân đầu người lên 3.000USD/năm.
Cùng chung một nguy cơ, 2 phản ứng chính sách, 2 não trạng khác nhau. Tất nhiên kết quả cũng sẽ khác nhau.

Các tin khác