Thay đổi tư duy đầu tư

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng khóa XI đã nhấn mạnh trong 5 năm tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư, với trọng tâm là đầu tư công. Để hoàn thành được nhiệm vụ này, nhiệm kỳ Chính phủ mới sẽ đối mặt với không ít thách thức về việc phân bổ, sử dụng vốn đầu tư.

Đến nay, qua 7 tháng triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, các biện pháp cắt giảm chi tiêu công đã được thực hiện quyết liệt và cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong thực hiện cắt giảm đầu tư công, đã lộ rõ hiện trạng “tư duy nhiệm kỳ” của không ít lãnh đạo địa phương, ban, ngành.

Đó là vị nào cũng muốn có ít nhất một công trình tầm cỡ nào đó mang dấu ấn của mình. Và đây hóa ra lại là trở ngại lớn trong việc thực hiện cắt giảm đầu tư công. Vì vậy mới có chuyện nhiều địa phương không những không thực hiện triệt để cắt giảm đầu tư những công trình chưa cấp thiết bằng vốn nhà nước, mà lại trình Chính phủ phê duyệt những kế hoạch đầu tư theo chiến lược xa lắc: sân bay, bến cảng, cơ sở hạ tầng chưa phát huy hiệu quả…

PGS.TS Đăng Văn Thanh, chuyên gia kinh tế - tài chính cao cấp của Quốc hội, nguyên là đại biểu Quốc hội, kể lại: “Tôi nhớ khi bàn về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước trước đây, có 167 đại biểu Quốc hội phát biểu trên hội trường thì có đến 160 đại biểu mong Quốc hội quan tâm đến địa phương mình. Đại biểu Quốc hội là người đại diện của cử tri cả nước nhưng khi phát biểu lại nói về quê mình nhiều hơn thì làm sao không dàn trải được”.

Phải chăng hàm ý của ông Thanh là muốn tái cơ cấu đầu tư công, trước hết phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo.

Tuy nhiên vốn đầu tư nền kinh tế hiệu quả kém còn do hệ quả của hàng loạt yếu tố, như đầu tư thiếu quy hoạch, dàn trải và phân tán. Vốn được phân bổ vào quá nhiều dự án nên các dự án thường thiếu vốn và kéo dài tiến độ, làm tăng chi phí đầu tư, gây lãng phí…

Đặc biệt đầu tư công hiện nay vẫn tập trung vào một số ngành khu vực tư nhân có khả năng và sẵn sàng đầu tư, đồng thời chưa thể hiện rõ được vai trò “bà đỡ” cho nền kinh tế. Vì thế, ngoài thay đổi tư duy người lãnh đạo địa phương và ban, ngành, điều quan trọng là phải đổi mới tư duy về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế.

Cụ thể giảm bớt sự phân bổ đầu tư nhà nước vào các ngành khu vực tư nhân có thể đảm nhiệm và đảm nhiệm tốt; chuyển trọng tâm ra ngoài lĩnh vực kinh tế, tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, phát triển thể chế và phát triển năng lực để tạo được ngoại ứng tích cực lan tỏa đến khu vực tư nhân, hỗ trợ khu vực này trong quá trình kinh doanh và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần thay đổi quan điểm đầu tư mang nặng ý chí chủ quan và cần phải có sự cải cách. Theo đó, thứ nhất là phân cấp rõ ràng, công trình nào của trung ương thì trung ương đảm bảo, công trình nào của địa phương do địa phương cam kết đảm bảo. Vấn đề cam kết vốn và quản lý đóng vai trò rất quan trọng. Thứ hai, về phân bổ vốn.

Hiện nay có 2 cơ quan phân bổ vốn là Bộ Tài chính lo nguồn, Bộ Kế hoạch - Đầu tư lo phân bổ. Điều này mang lại những hệ quả tiêu cực và phát sinh nhiều bất hợp lý: Nguồn vốn đầu tư dàn trải, trong khi nguồn vốn thực tế cho dự án lại không đảm bảo. Nếu người lo nguồn và phân bổ là một sẽ hạn chế được những tồn tại trên. Thứ ba, là quy hoạch.

Đây là lỗi rất lớn trong công tác thẩm định đầu tư. Công trình nào kiểm tra cũng đúng quy hoạch nhưng là đúng quy hoạch điều chỉnh chứ rất ít công trình triển khai đúng quy hoạch ban đầu. Hay nói khác là quy hoạch điều chỉnh chạy theo dự án. Khâu này cũng mang nặng ý chí chủ quan và lãng phí gây ra cũng rất lớn, nếu không nói là có tiêu cực, “móc ngoặc” tham ô.

Một vấn đề nữa là rất nhiều dự án hiện nay không rõ nguồn vốn đầu tư. Khi ký quyết định, ngoài chuyện quy mô dự án, vốn đầu tư bao nhiêu…, các quyết định thường không nêu rõ sẽ triển khai từ nguồn nào. Điều này có thể thấy trong nhiều quyết định đầu tư của các địa phương đều ghi chung chung “ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác”.

Vậy ngân sách nhà nước là nhà nước nào? Địa phương ký nhưng lấy nguồn từ ngân sách của địa phương hay ngân sách trung ương? Vì thế, muốn tái cơ cấu đầu tư phải giải quyết dứt điểm những tồn tại trên, loại trừ ý muốn chủ quan và các lợi ích nhóm. Làm được điều này nguồn vốn đầu tư sẽ được đảm bảo, hiệu quả sẽ nâng cao.

Các tin khác