Thắt chặt chi tiêu và chi công hiệu quả

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày mai 28-10, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012.

Kế hoạch ngân sách năm 2012 được Chính phủ trình ra Quốc hội cho thấy tổng thu ngân sách đạt 740.500 tỷ đồng (tỷ lệ động viên từ thuế và phí trên 21% GDP gồm thu nội địa, không bao gồm từ đất, là 457.600 tỷ đồng, tăng 20,6% so với thực hiện năm 2011); chi NSNN 903.100 tỷ đồng (bội chi 140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP).

Thu ngân sách năm 2012 vẫn được Chính phủ xác định theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Về phần chi tiếp tục cơ cấu theo hướng ưu tiên đầu tư cho con người, cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh tài chính quốc gia.

Theo dự báo của các tổ chức, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, kinh tế thế giới năm 2012 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thách thức, có nhiều yếu tố tác động xấu đến đà phục hồi, thậm chí kinh tế thế giới có thể rơi vào đợt suy thoái mới.

Đặt trong bối cảnh quốc tế và tình hình nội tại, nhiều ý kiến cho rằng năm 2012 nước ta không tránh khỏi những khó khăn, thách thức chung. Vì thế xem lại tốc độ tăng thu như trên liệu có hợp lý. Bởi nếu GDP tăng 6%, lạm phát 9% thì tốc độ tăng thu bằng tăng GDP + trượt giá chỉ tăng thu 15% nhưng Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng thu tới 20,6%. Điều này cho thấy vẫn chưa có sự nhất quán về mặt chính sách.

Một số liệu khác từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy để thực hiện Nghị quyết 11, năm 2011 chỉ có 40 dự án được duyệt khởi công mới, nhưng kết thúc năm 2011 có tới trên 300 dự án mới.

Điều này cho thấy việc Chính phủ xác định mục tiêu tăng thu cao dường như để tăng các khoản chi. Do kỷ luật tài chính không nghiêm khiến việc kiểm soát chi công gặp nhiều khó khăn, đã “để lọt” số lượng dự án được duyệt khởi công mới vượt nhiều lần so với yêu cầu.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần cương quyết gạt bỏ suy nghĩ lạm dụng ngân sách như “bầu sữa mẹ”, để nơi nào cũng muốn có phần và hành xử theo kiểu “cha chung không ai khóc”.

Cần siết chặt kỷ luật tài chính những nơi thực hiện không nghiêm bằng việc công khai và chấn chỉnh những công trình, dự án thiếu hiệu quả, ngoài danh mục. Trong thu ngân sách, nguồn thu thuế chủ yếu đối tượng là người dân. Vì vậy lãng phí trong đầu tư công, chi tiêu công cần được hạn chế triệt để và năm nay cần giảm bội chi xuống mức 4,5% thay vì dự kiến 4,8% bằng cách thắt chặt chi tiêu nhiều hơn.

Vấn đề cấp thiết là cần xem xét lại các khoản thu đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bởi đây là khu vực có tốc độ tăng thu chậm so với mức tăng chung của các thành phần kinh tế khác. Tức tiến hành rà soát chặt chẽ các chi phí, giá thành sản phẩm, chế độ trích khấu hao từ tài sản cố định, lợi nhuận và lợi tức để lại... đối với các “ông lớn” này.

Bên cạnh đó, về chi cần dành ngân sách tập trung hơn vào các địa bàn, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh tình trạng dàn trải, “dàn hàng ngang cùng tiến”.

Muốn khắc phục cơ bản những bất cập trong thu, chi ngân sách hiện nay cần phải giải quyết vấn đề gốc là sửa đổi Luật NSNN. Hiện nay việc phân bổ ngân sách địa phương được tiến hành theo kiểu cân đối phân cấp theo hướng địa phương nào thiếu (chi đầu tư, chi thường xuyên…) thì làm việc với Trung ương để được phân bổ.

Vì thế, việc thay đổi cần được thực hiện theo hướng để địa phương tính toán thu được từ nguồn nào, chi những mục tiêu gì. Chẳng hạn đối với địa phương nghèo, ngân sách trung ương sẽ bao cấp các dịch vụ công (giáo dục, y tế…) còn phần thu của địa phương đó thì lên kế hoạch cho các khoản chi.

Địa phương nào mạnh thì thu cái gì được chi cái đó. Điều đó có nghĩa phân cấp theo chức năng quản lý nhà nước, ngân sách trung ương tài trợ cho các dịch vụ phúc lợi xã hội. Các phần đầu tư khác - đầu tư theo chương trình quốc gia theo phân cấp - cái gì ngân sách trung ương tài trợ thì trung ương phải giám sát; đầu tư thuộc ngân sách địa phương do Hội đồng Nhân dân tự quyết và tự chịu trách nhiệm.

Điều đó sẽ tạo động lực, địa phương nào cũng phải phấn đấu tăng nguồn thu, từ đó phần chi được mở ra, có vậy mới tránh được tình trạng ngân sách bao cấp như lâu nay.

Các tin khác