Thẳng thắn “nhắc nợ” trong thực hiện Nghị quyết 19 ​

(ĐTTCO)-Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) đã thẳng thắn chỉ rõ nhóm những chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra từ các nghị quyết trước nhưng chưa hoàn thành...
Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Hội thảo “Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu: Kết quả và các vấn đề cần tiếp tục giải quyết” được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với USAID tổ chức sáng nay 13-6, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) đã thẳng thắn chỉ rõ nhóm những chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra từ các nghị quyết trước nhưng chưa hoàn thành. Như việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý kiểm tra chuyên ngành (QLKTCN), bao gồm cả hậu kiểm; áp dụng chế độ  doanh nghiệp ưu tiên trong QLKTCN.

Quy định “chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hoá được sản xuất tại các nước, khu vực có chất lượng cao, tiên tiến” cũng chưa được áp dụng; tương tự, thực tế cũng chưa điện tử hoá đầy đủ thủ tục QLKTCN (đã thực hiện thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia - NSW - thì không yêu cầu nộp hồ sơ giấy).

Bên cạnh đó, cách thức quản lý, kiểm tra hiệu suất năng lượng vẫn hình thức, gây lãng phí lớn, tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Những hàng hoá, sản phẩm không có quy chuẩn quốc gia vẫn bị yêu cầu chứng nhận, công bố hợp quy…

Nhóm những vấn đề còn có cách hiểu khác nhau, cần được thống nhất cũng đã được nêu rõ, chẳng hạn như yêu cầu làm rõ vấn đề “chỉ sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 mới phải công bố hợp quy hay cả những sản phẩm hàng hoá không thuộc nhóm 2”; “ai có trách nhiệm công bố hợp quy?”; người sản xuất hay người nhập khẩu có trách nhiệm công bố hợp quy cho từng lô hàng (do các quy định trong Điều 23 và 24 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá có sự không thống nhất).

“Quản lý an toàn thực phẩm có được điều chỉnh bởi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá hay không? Đây là vấn đề giúp tháo gỡ rất nhiều vướng mắc khác”, ông Phạm Thanh Bình nói.

Ví dụ, cùng là nguyên liệu, vật tư nhập về để sản xuất, nhưng theo NĐ15/2018 quy định miễn công bố sản phẩm, miễn kiểm tra nhà nước cho cả trường hợp nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu và sản xuất tiêu thụ nội địa; trong khi NĐ 74/2017 không miễn công bố hợp quy và chỉ miễn kiểm tra chất lượng cho trường hợp nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hoá xuất khẩu.

Các tin khác