TTHC đầu tư, đất đai, xây dựng

Thách thức đột phá

Trong số báo ra ngày 22-8-2013, ĐTTC có bài Chủ điểm - Sự kiện, phân tích sự chồng chéo, bất cập trong thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng. Xung quanh vấn đề này, Tòa soạn đăng ý kiến của ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên ban soạn thảo thông tư liên tịch Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), về các giải pháp tháo gỡ.

Trong số báo ra ngày 22-8-2013, ĐTTC có bài Chủ điểm - Sự kiện, phân tích sự chồng chéo, bất cập trong thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng. Xung quanh vấn đề này, Tòa soạn đăng ý kiến của ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên ban soạn thảo thông tư liên tịch Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), về các giải pháp tháo gỡ.

Loại bỏ sự chồng chéo, trùng lắp

Giảm thiểu TTHC liên quan đến lĩnh vực đầu tư là vấn đề được bàn từ lâu. Các nghiên cứu của CIEM, Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) đều thống nhất nhận định, kiến nghị vấn đề đang nổi cộm này.

Trong Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) soạn thảo thông tư liên tịch nhằm thiết lập 1 quy trình TTHC về đầu tư, đất đai, xây dựng liên thông.

Ban soạn thảo đã nghiên cứu và đề ra các mục tiêu, như xác định rõ các TTHC theo quy định pháp luật hiện nay liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng nhằm đảm bảo các quy định đưa ra không trái luật. Từ đó phân tích yêu cầu về quản lý nhà nước và thực tiễn hoạt động kinh doanh để sắp xếp các thủ tục đó thành 1 quy trình hợp lý.

Từ quy trình này, chúng tôi sẽ phân tích ý nghĩa pháp lý của từng thủ tục. Thí dụ, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư là quan trọng nhưng bản chất là gì? Để được chấp thuận, nhà đầu tư phải thỏa mãn điều kiện gì và được quyền gì, liên quan đến các giấy tờ khác như thế nào?

Bước tiếp theo là xác định loại hồ sơ, nội dung các thủ tục để chuẩn hóa thành mẫu, loại bỏ các yêu cầu thông tin, hồ sơ trùng lắp. Tiếp theo là bước xác định cách thức thực hiện thủ tục. Theo đó, các thủ tục không gắn kết với nhau, độc lập thì thực hiện song song, không chờ thủ tục này xong mới đến thủ tục kia.

Các TTHC được giải quyết ở những thời điểm khác nhau bởi cùng 1 nhóm cơ quan giống nhau. Chẳng hạn có loại giấy tờ các sở KH-ĐT, xây dựng, TN-MT… có thể thụ lý kết hợp, kể cả lên cấp bộ. Nghĩa là 1 cuộc họp có các thành phần như vậy có thể giải quyết cùng lúc các TTHC có liên quan.

Điều này sẽ giảm rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp. Quy trình là vậy nhưng khi triển khai thực hiện, quan điểm của chúng tôi không áp đặt và để UBND tỉnh, thành quyết định cụ thể việc cơ quan nào chủ trì, cách thức tổ chức 1 cửa, 2 cửa ra sao tùy vào điều kiện.

Gắn kết trong thực thi

Lâu nay khi nói về cải cách TTHC, chúng ta thường dùng từ “đột phá”. Tuy nhiên đột phá là gì, hiểu như thế nào? Hoặc tư vấn phải làm thế này, thế kia mới là đột phá, còn cứ nói chung chung, chỗ nào cũng đột phá cuối cùng không chỗ nào đột phá được.

Theo chúng tôi, đột phá trong thể chế là cải cách: nhanh, quy mô lớn, mức độ rộng tạo ra được sự thay đổi về chất. Cá nhân tôi cho rằng những đột phá chúng ta làm được từ trước đến nay như Luật Doanh nghiệp năm 2000; cải cách khoán 10; chuyển nền kinh tế từ tập trung sang thị trường; Nghị quyết 11 của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô...

Lần này, cải cách TTHC phải định vị điểm nhấn, thay đổi để đột phá. Thực tế đã cho thấy nếu dựa vào bộ máy hành chính để cải cách TTHC sẽ khó có đột phá. Vì vậy, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, VCCI, chuyên gia độc lập... có vai trò quan trọng trong việc tạo và thúc đẩy áp lực từ bên ngoài mới hy vọng có đột phá.

Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ Đề án 30 đơn giản hóa TTHC của Chính phủ, là triển khai rộng nhưng không có đột phá, không có sự thay đổi. Thông tư chúng tôi đặt ra với quy trình rõ ràng, hồ sơ chuẩn hóa nội dung, rút ngắn thời gian, tiền bạc, thủ tục minh bạch, dễ tiên lượng… hy vọng sớm vào thực tiễn, không dừng ở trên giấy tờ, lời nói.

Vậy thách thức hiện nay là gì? Thứ nhất, các luật trên đang trong quá trình sửa đổi nên có những ý kiến không nên thay đổi. Quan điểm của chúng tôi là với 6 luật và hơn 10 nghị định cùng các thông tư nếu xây dựng theo kiểu bộ nào làm bộ đó, thiếu sự phối hợp chiều ngang... sẽ không thể giải quyết được vấn đề, nên vẫn phải có thông tư này.

Thứ hai, dự thảo thông tư đang bàn liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, là những TTHC phức tạp. Sự phức tạp không phải đến từ giấy tờ mà đến từ đan xen nhiều loại giấy tờ khác nhau và sự phối hợp giữa các bộ - chiều ngang rất yếu, giữa Trung ương với địa phương - chiều dọc cũng không phải là mạnh. Việc xây dựng thông tư nay đòi hỏi sự phối hợp, đồng thuận của 3 bộ KH-ĐT, xây dựng và TN-MT.

Đó là thách thức phải vượt qua. Thứ ba, khi thực hiện cải cách, đột phá tức sẽ có người được là doanh nghiệp, người mất là người đang trực tiếp giải quyết TTHC. Cho nên, sự thờ ơ, phản đối dưới các hình thức có thể xảy ra.

Chúng ta sẽ vượt qua được thách thức này nếu văn bản được tham vấn rộng rãi, được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt Chính phủ có cam kết chính trị mạnh mẽ trong cải cách này. Chúng tôi kỳ vọng thông tư mới sẽ đơn giản tối đa các TTHC phức tạp hiện nay, mang lại kết quả tốt đẹp trong thực tế.

Yêu cầu thực tiễn đòi hỏi thay đổi, đơn giản hóa TTHC về đầu tư liên quan đến đất đai, xây dựng. Những điều này đã được đề cập ở một số văn bản và tại đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Theo đó, xây dựng một quy trình đơn giản trong các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, từ chấp thuận chủ trương đầu tư đến kết thúc là giấy phép xây dựng.

Các tin khác