Tạo điều kiện để doanh nghiệp tự chăm lo người lao động

(ĐTTCO)-Ngày 17-4, Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN), theo Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: hcmcpv
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: hcmcpv

Đại diện Thành ủy TPHCM có đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng công tác Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN ở TPHCM (gọi tắt là Ban chỉ đạo).

Nhiều điểm sáng

Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Trọng Hiếu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, nhận xét, số lượng DN tại TPHCM phát triển ngày càng nhanh và hoạt động ổn định. Đa số các DN tích cực chăm lo đời sống người lao động nhưng có một bộ phận DN chưa chấp hành đúng pháp luật lao động, khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Một số DN có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh thua lỗ dẫn đến nợ lương, nợ BHXH...

Trong 10 năm qua, TPHCM đã tập trung thực hiện các mô hình chăm lo đời sống người lao động như: vận động chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng; vận động cơ sở giữ trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình không tăng giá… TPHCM cũng chăm lo hơn 2,4 triệu lượt công nhân, lao động với kinh phí gần 428 tỷ đồng; hỗ trợ và cấp vốn gần 1,5 triệu lượt người lao động với 15.355 tỷ đồng. TPHCM cũng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động, nhất là tích cực tham gia giải quyết kéo giảm đáng kể tranh chấp lao động.

Hài hòa lợi ích của DN và người lao động

Đồng chí Võ Thị Dung phân tích, đa phần người lao động ở TPHCM đến từ các địa phương khác (chiếm 70%). Điều này tạo áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng cũng như hoạt động chăm lo phúc lợi xã hội của TPHCM… Đồng chí khẳng định, với sự nỗ lực và quyết tâm của hệ thống chính trị TPHCM, quan hệ lao động ở TPHCM đã chuyển biến lớn. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM xác định, việc thực hiện nghiêm chính sách và quy định pháp luật trong DN của người sử dụng lao động cũng như của người lao động là rất quan trọng. TPHCM có nhiều chính sách, chủ trương hỗ trợ nhưng để chăm lo thực sự cho người lao động thì không ai chăm lo tốt hơn là người sử dụng lao động.

Trước ý kiến của đoàn khảo sát về việc tổ chức hội phụ nữ trong DN, đồng chí Võ Thị Dung cho rằng, đoàn thanh niên hay hội phụ nữ đều rất cần thiết, nhưng cần xác định đâu là tổ chức chính. Theo đồng chí, công đoàn mới là tổ chức cốt lõi. Vì vậy, nếu thành lập nhiều tổ chức thì người lao động không đủ thời gian sinh hoạt. Còn các tổ chức đoàn, hội cần gắn với địa bàn khu dân cư, nơi người lao động sinh sống để “chia lửa” với DN, như chi hội nữ công nhân lao động, chi hội phụ nữ nhà trọ mà TPHCM đang triển khai rất có hiệu quả.

“TPHCM luôn tạo điều kiện cho DN phát triển để DN tự chăm lo người lao động. Trong xây dựng quan hệ lao động tới đây, tôi đề nghị quan tâm cả người sử dụng lao động và người lao động, thay vì chỉ tập trung cho người lao động”, đồng chí Võ Thị Dung nhấn mạnh.

Đồng chí cũng kiến nghị đoàn tổ chức các đợt khảo sát người sử dụng lao động để xác định rõ hơn trọng tâm của quan hệ lao động, từ đó kiến nghị điều chỉnh phù hợp. Cần thiết thành lập một tổ chức đóng vai trò hòa giải, đòi quyền lợi cho người lao động, không nên để công đoàn “đối đầu” với chủ DN. Cùng đó là việc cụ thể hóa quan hệ lao động bằng chế tài cụ thể hơn và áp dụng cả với người lao động, nhằm tạo sự bình đẳng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Doãn Mậu Diệp đánh giá cao những cách làm hiệu quả, sáng tạo của TPHCM trong việc triển khai Chỉ thị 22-CT/TW. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về lao động được nâng lên, giảm thiểu các vụ tranh chấp lao động; khi có tranh chấp xảy ra thì nhanh chóng được xử lý, không dẫn tới gay gắt, gây mất ổn định chính trị - xã hội.

Đồng chí cũng gợi ý về biện pháp xử lý trong các trường hợp xảy ra tranh chấp, nhất là việc các DN nợ lương, nợ BHXH hoặc chủ DN bỏ trốn. Việc ban hành hướng dẫn quy định xử lý DN ngừng hoạt động, nợ lương, nợ BHXH, chủ DN bỏ trốn là vấn đề khó vì về nguyên lý của bảo hiểm là có đóng, có hưởng. Nghĩa là DN không đóng BHXH mà dùng ngân sách nhà nước xử lý là không được. Trường hợp lấy từ quỹ BHXH (do những người khác đóng) để xử lý cũng không được. Do đó, phải có cảnh báo sớm và đưa các DN (nợ lương, nợ BHXH) vào diện cần giám sát, nhằm có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, sắp tới, khi thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW (về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN), Nhà nước chỉ quy định tiền lương tối thiểu. Chính sách tiền lương của DN (thang lương, bảng lương, thời hạn nâng lương) sẽ do DN và người lao động thỏa thuận.

Đến năm 2017, dân số của TPHCM hơn 8,6 triệu người. Số người trong độ tuổi lao động hơn 4,5 triệu (chiếm 50,52%), số đang lao động là hơn 4,4 triệu (chiếm 97,24% người trong độ tuổi lao động). TPHCM có 17 KCN và KCX, thu hút 1.226 dự án với gần 288.530 lao động.

Các tin khác