Tạo điều kiện để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo

(ĐTTCO)-Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra ngày 3-7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ trực tiếp làm việc, thảo luận với các hội ngành nghề, lắng nghe các doanh nghiệp.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo
Từ đó, TPHCM thiết kế, xây dựng các giải pháp tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu.
Chưa đột phá vào các ngành chủ lực
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở KH-ĐT Sử Ngọc Anh cho biết, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 585.635 tỷ đồng, tăng 7,86% (cùng kỳ tăng 7,76%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh là 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và thế mạnh.
Cùng với đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục đầu tư, mở rộng thị trường tạo ra mức tăng 9,55% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung toàn ngành. Đặc biệt, ngành điện tử - công nghệ thông tin tăng 10,15% so với cùng kỳ. Song, tính chung trong 6 tháng đầu năm, công nghiệp chỉ tăng khoảng 7,11%, trong khi cùng kỳ tăng đến 7,51%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Sử Ngọc Anh, vốn tập trung vào đầu tư phát triển còn thấp, số dự án đầu tư nước ngoài tuy tăng nhưng quy mô đầu tư còn nhỏ (trung bình chỉ khoảng 1 triệu USD/dự án). Tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm còn xảy ra, vì lợi nhuận nên các cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.
Do đó cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức cả cho người tiêu dùng và nhà sản xuất. Các vấn đề về quản lý đô thị như ngập nước, ùn tắc giao thông dù được quan tâm, triển khai đầu tư nhiều dự án trung và dài hạn nhưng vẫn gây áp lực lớn, đòi hỏi cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập, giảm kẹt xe, đồng thời nghiên cứu thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết có hiệu quả thiết thực hơn.
Trước kết quả phát triển của các ngành công nghiệp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận xét, TP là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước nhưng thời gian qua, công nghiệp giảm sút. TP trông cậy nhiều vào 4 ngành công nghiệp chủ lực nhưng cả 4 ngành này chưa có điểm nhấn, đột phá nào.
“Các ngành chế biến, chế tạo và khai khoáng (trong 4 ngành công nghiệp chủ yếu) của cả nước tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm”, đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng và nêu rõ ở TP thì lại sụt giảm. Riêng ngành công nghệ thông tin, điện tử của TP thời gian qua có mức tăng rất cao. Tuy nhiên, ngành này có quy mô nhỏ nên dù tăng trưởng có mạnh cũng khó có thể thúc đẩy được sự phát triển của toàn ngành công nghiệp TP. Vì vậy, người đứng đầu chính quyền TPHCM yêu cầu Giám đốc Sở Công thương phân tích nguyên nhân cùng giải pháp đột phá đối với ngành công nghiệp trong 6 tháng cuối năm. 
Trước yêu cầu trên, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương, phân tích ngành cơ khí phát triển nhưng tính liên kết không cao và gặp khó khăn về nguồn công nhân lành nghề. Tới đây, Sở Công thương sẽ phối hợp với các trường tổ chức đào tạo nguồn lao động có tay nghề cung ứng cho các doanh nghiệp cơ khí. Đồng thời, sở cũng sẽ trình UBND TP giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực đối với ngành này. Cùng với đó, ông Kiên khẳng định sẽ tổ chức kết nối để các doanh nghiệp Việt Nam cung ứng, tham gia vào chuỗi của các doanh nghiệp FDI.
Giám đốc Sở Công thương cũng phân trần, các doanh nghiệp của TP chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc đầu tư, mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Hiện Sở Công thương đã làm việc với một số doanh nghiệp cơ khí (tổng số 18.000 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 1,74% doanh nghiệp lớn) để đề xuất chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn nhằm hình thành các doanh nghiệp chủ lực, tạo ra sản phẩm đầu - cuối có lợi thế cạnh tranh.
Xem xét lại rào cản từ môi trường đầu tư 
Chưa hài lòng với các giải pháp, người đứng đầu chính quyền TPHCM yêu cầu các sở - ngành đặc biệt quan tâm đến các giải pháp thúc đẩy các ngành công nghiệp TP phát triển. Song song đó, chủ tịch UBND các quận - huyện phải nắm được trên địa bàn có những ngành gì, sản phẩm công nghiệp nào nổi bật.
“Là chủ tịch UBND quận - huyện mà hỏi ngành nào, sản phẩm công nghiệp nào nổi bật nhưng trả lời lơ mơ là không được”, đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý và phân tích ở mỗi địa phương có sự khác nhau về các ngành công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp. Chính vì vậy, các quận - huyện phải nắm được cụ thể, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo đúng định hướng, ưu tiên đầu tư phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, chú trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời phấn đấu đến cuối năm 2018, TP phát triển thêm một khu công nghiệp với những hoạt động và ứng dụng phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đồng chí Nguyễn Thành Phong phân tích, trong 6 tháng đầu năm nay, bình quân số vốn đăng ký ở TP chỉ 1 triệu USD/dự án. Đây là mức thấp, khó có thể tạo ra được cú hích đối với sự phát triển của TP. “Điều này đặt ra đòi hỏi chúng ta phải xem lại môi trường đầu tư hay còn những trục trặc nào khác?”, đồng chí Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nhận xét, TPHCM được nhiều tổ chức xếp hạng là TP năng động nhưng việc xây dựng, hình thành các sản phẩm, thương hiệu nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu rất chậm chạp. Do đó, TP phải nhanh chóng xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu. Đặc biệt, trong điều kiện cạnh tranh hiện nay, chất lượng sản phẩm cần gắn với thương hiệu. Điều đó chỉ có thể dựa trên nền tảng đổi mới và sáng tạo.

Các tin khác