Tạo đà cho thương hiệu biển Việt Nam

(ĐTTCO)- Du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của toàn ngành du lịch Việt Nam. Chính vì vậy, các chuyên gia du lịch khẳng định du lịch biển và kinh tế đảo là một trong 5 đột phá về kinh tế biển, không những vậy, du lịch biển sẽ tạo đà cho thương hiệu “Biển Việt Nam”.

(ĐTTCO)- Du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của toàn ngành du lịch Việt Nam. Chính vì vậy, các chuyên gia du lịch khẳng định du lịch biển và kinh tế đảo là một trong 5 đột phá về kinh tế biển, không những vậy, du lịch biển sẽ tạo đà cho thương hiệu “Biển Việt Nam”.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về biển, hải đảo khi có hơn 1 triệu km2 diện tích mặt biển, bờ biển dài hơn 3.000km trải dài khắp Bắc-Trung-Nam; cả nước có 2.770 đảo ven bờ cùng hàng loạt các bãi tắm đẹp từ Bắc vào Nam và đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thế mạnh cần ưu tiên

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện vùng ven biển Việt Nam có khoảng 1.400 cơ sở lưu trú, đặc biệt là các khách sạn từ 3 sao trở lên phần lớn tập trung ở đây. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn chưa trả lời được 4 câu hỏi quan trọng nhất của phát triển du lịch biển, đó là Ai đến? Đến đây làm gì? Đến bằng cách nào? Để lại cái gì?

Ở một khía cạnh khác, du lịch Việt Nam đang lãng phí trong quá trình khai thác tiềm năng du lịch biển. Quy hoạch của nhiều bãi biển đẹp ở Việt Nam đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh. Điển hình là bãi biển Mũi Né đang kẹt cứng trong không gian ven bờ khi có quá nhiều khách sạn, resort chen dày ở mặt tiền biển.

Ngành du lịch tàu biển ở Việt Nam chưa thu hút du khách vì hiện tại Việt Nam vẫn chưa có cảng hành khách tàu biển chuyên biệt. Trên suốt chiều dài 3.260km bờ biển, Việt Nam có nhiều lợi thế để xây dựng một trung tâm cho du khách, nhưng cho đến nay vẫn không có một cảng chuyên biệt nào dành cho du khách. Nhiều tàu biển chở khách vào Việt Nam vẫn phải neo đậu nhờ các cảng hàng hóa, gây bất tiện và không khai thác được gì thêm các giá trị gia tăng khác như mua sắm, giải trí, ăn uống tại cảng.

Hành trình di chuyển từ cảng vào trung tâm thành phố mất quá nhiều thời gian, do đây là đoạn đường có nhiều xe tải chở hàng, khiến khách phàn nàn. Do đó, du lịch Việt Nam đã mất đi phần nào cơ hội từ thị trường khách này mang lại.

Để xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hấp dẫn nhất Đông Nam Á – cách nào?

Với định hướng đến năm 2020 du lịch biển Việt Nam đứng vào nhóm các nước có du lịch biển phát triển nhất Đông Nam Á (cùng Thái Lan, Indonesia, Malaysia), từ nay đến năm 2020, Việt Nam hình thành 5 khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực gồm khu Hạ Long – Cát Bà; Lăng Cô-Sơn Trà-Hội An; Nha Trang -Cam Ranh; Phan Thiết- Mũi Né; khu du lịch Phú Quốc. Tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn biển sẽ tạo đà cho việc phát triển thương hiệu “Biển Việt Nam”. Theo các chuyên gia du lịch, việc chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo là một định hướng đúng đắn, phù hợp với thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam và mang ý nghĩa đặc biệt trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Tuy nhiên, để du lịch biển đảo phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng và tạo được thương hiệu riêng thì ngoài việc phải khắc phục những hạn chế đã tồn tại nhiều năm qua thì cần có sự đầu tư và quản lý một cách chiến lược cả về cơ sở vật chất, dịch vụ và con người cho các trung tâm du lịch biển đảo đã được xác định. Đặc biệt, cần phát huy yếu tố văn hoá của từng địa phương trong phát triển du lịch biển để tạo dấu ấn riêng và thu hút khách du lịch quay trở lại nhiều lần.

Các tin khác