Tăng trưởng 6,7%vẫn là thách thức lớn

(ĐTTCO) - Ông NGUYỄN BÍCH LÂM, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định dù tốc độ tăng trưởng kinh tế bứt phá trong quý II và III, nhưng mục tiêu tăng GDP 6,7% cả năm vẫn là thách thức lớn. 
Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ cần tiếp tục cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, duy trì tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nông, lâm, thủy sản.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, những yếu tố nào sẽ đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay?
Ông NGUYỄN BÍCH LÂM: - Với tốc độ tăng trưởng quý I chỉ đạt 5,15% đang đặt ra thách thức cho mục tiêu tăng GDP 6,7% trong năm nay. Theo đó, quý IV phải đạt tốc độ tăng trưởng 7,31%, đây là mức tăng cao nhiều năm gần đây không đạt được. Để đạt được các mục tiêu này Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm chỉ đạo hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong ngành nông nghiệp. 
Tăng trưởng 6,7%vẫn là thách thức lớn ảnh 1 Đẩy mạnh xuất khẩu mới kỳ vọng cho mục tiêu GDP. 
Thực tế, 9 tháng qua ngành nông, lâm, thủy sản có sự chuyển đổi cơ cấu tích cực, như việc chuyển diện tích trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, khiến giá trị sản xuất trên 1ha đất tăng 1,5 lần. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có đà bứt tốc, cần tạo điều kiện để ngành này tiếp tục tăng trưởng cao.
Một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong 9 tháng là xuất khẩu có dấu hiệu tích cực, như xuất khẩu nông sản tăng mạnh. Tháng 8 và 9 kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên trong nhiều năm đạt trên 19 tỷ USD. Mặt khác đóng góp của ngành dịch vụ cho tăng trưởng rất lớn, khu vực này đạt mức tăng trưởng 7,25%, đóng góp khoảng 2,8 điểm %.
Để duy trì đà tăng trưởng cao trong các tháng còn lại của năm, các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN. 
- Trong 6 tháng đầu năm sản lượng khai khoáng và khai thác dầu giảm 8% đã làm giảm 0,6% GDP. Theo ông việc giảm sản lượng khai thác dầu trong năm nay tác động thế nào đến mục tiêu tăng trưởng?
- Trong kịch bản tăng trưởng và trong điều hành kinh tế 2017, Chính phủ đã lường được vấn đề giảm sản lượng khai thác dầu thô. Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, ngành công nghiệp khai khoáng năm nay có sản lượng khai thác bằng 93% năm 2016.
Về sản lượng khai thác dầu thô, Chính phủ đặt mục tiêu khai thác 12,28 triệu tấn và có khả năng khai thác thêm 1,3 triệu tấn nữa. Như vậy sản lượng khai thác dầu thô năm 2017 có thể đạt 13,58 triệu tấn. Còn nếu giá dầu thô tăng lên, khai thác dầu có lãi, có thể sản lượng dầu thô khai thác sẽ tăng hơn nữa.
- Có ý kiến cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng tiền tệ trong tháng 7 thông qua hạ lãi suất, nới trần tín dụng, kết hợp với việc giá lương thực thế giới và trong nước có xu hướng tăng trở lại, sẽ gây áp lực với lạm phát. Và trong bối cảnh này, có nên tăng ngay giá điện, thưa ông?
- Việc mở rộng tín dụng để kích thích tăng trưởng là cần thiết. Trong điều hành Chính phủ đã có đánh giá tổng quan, mở rộng bao nhiêu, các mặt hàng nào tăng giá cũng đều được tính toán để giữ mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay dưới 4%.
Trong 9 tháng qua, CPI bình quân tăng 3,79%, vì vậy Tổng cục Thống kê tin rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay sẽ giữ được. Chính vì thế đang có ý kiến nên điều chỉnh giá một số mặt hàng như điều chỉnh giá điện.
Từ đầu năm đến nay chúng ta đã tiến hành điều chỉnh giá dịch vụ y tế với người không có thẻ bảo hiểm. Trong tháng 9 tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, còn giá điện Chính phủ, các bộ ngành và Ban chỉ đạo điều hành giá sẽ tính toán kỹ việc tăng hay không.
Về việc này, theo lộ trình Chính phủ đã quy định, tăng giá điện bao nhiêu % Bộ Công Thương và EVN được phép tăng. Nhưng cần tính toán kỹ trong bối cảnh chung của nền kinh tế việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Ngay từ đầu năm, Tổng cục Thống kê đã tính toán trong năm nay cần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% và việc tăng giá điện phải cân nhắc.
Mục tiêu số 1 vẫn là phải đạt tăng trưởng đã đề ra. Trước khi tăng giá điện, cần tính toán ảnh hưởng với CPI là bao nhiêu, giá sản xuất là bao nhiêu và sẽ làm giảm tăng trưởng bao nhiêu %. Quan điểm của Tổng cục Thống kê là chưa nên tăng giá điện trong năm nay vì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% đến nay vẫn là thách thức đòi hỏi phải nỗ lực nhiều mới đạt được.
- Theo ông, chi đầu tư phát triển trong 9 tháng đầu năm nay không đạt ngưỡng 34% GDP như mục tiêu đề ra sẽ tác động thế nào đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn?
- Thực ra vốn đầu tư toàn xã hội đạt ngưỡng 34% GDP như mục tiêu đề ra hồi đầu năm là đặt trong điều kiện khi đó nền kinh tế có nhiều khó khăn, cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đạt khoảng 1,7 triệu tỷ đồng sẽ làm cho ngành xây dựng tăng khoảng 10,5% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng chung.
Nhưng hiện nay các khu vực khác của nền kinh tế đang tăng trưởng rất tốt như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu, nên không nhất thiết cứ phải giải ngân vốn đầu tư đạt 34% GDP.
Nếu kinh tế năm nay đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%, trong khi việc giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội dưới 34% tức chất lượng tăng trưởng đang tốt hơn, nền kinh tế tăng trưởng nhưng không phụ thuộc quá nhiều vào vốn. Đây là tín hiệu tốt với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác