Tăng tốc cải cách môi trường kinh doanh

(ĐTTCO)-Ngày 4-12, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 với chủ đề “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu” đã được tổ chức tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại diễn đàn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy vai trò kiến tạo, ưu tiên các vấn đề trọng tâm là giữ vững ổn định môi trường vĩ mô - vốn là lợi thế so sánh của Việt Nam trong khu vực và thế giới; tiếp tục tăng tốc cải cách môi trường kinh doanh, tiếp tục cắt bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Sớm thống nhất tiêu chuẩn điều kiện kinh doanh
Phát biểu tại VBF, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định, dù đã có sự cải thiện đáng ghi nhận trong việc bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, nhưng do chưa thống nhất về tiêu chí xác định quy định nào cắt bỏ hay giữ lại nên kết quả còn hạn chế.
Chẳng hạn, có nghị định bỏ các điều kiện kinh doanh yêu cầu kinh nghiệm hoặc bằng cấp của nhân lực, nhưng lại có nghị định khác vẫn duy trì; hoặc có lĩnh vực đã sử dụng tiêu chí về lịch sử tuân thủ của một loại hàng hóa để giữ lại/loại bỏ trong danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, trong khi ở lĩnh vực khác lại không sử dụng biện pháp này.
Trong cải cách thủ tục hành chính, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, mô hình trung tâm 1 cửa của Bộ Xây dựng là mô hình cần được nhân rộng. Đây là mô hình cho phép doanh nghiệp làm nhiều thủ tục đồng thời, hạn chế tối đa việc phải hoàn thành xong thủ tục này mới được làm thủ tục khác. Nhưng để làm được, cần tăng cường cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính. 
Điểm đáng lưu ý tại VBF cuối kỳ năm 2018 là hầu hết đại diện nhà đầu tư đều đề cập đến cơ chế đầu tư đối tác công tư (PPP). Ông Michael Kelly, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) nhận định: “Một cơ chế đầu tư tốt cho PPP cần bắt đầu với một hệ thống pháp luật tốt. Tuy nhiên, cần nhiều thời gian để xây dựng và hoàn thiện luật PPP mới.
Theo đại diện AmCham, Chính phủ cần có các hành động quyết liệt hơn, bao gồm cả việc ban hành các cơ chế đặc thù (tương tự như các cơ chế ban hành những năm trước áp dụng cho đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết). Cơ chế đặc thù, tất nhiên không áp dụng rộng rãi mà chỉ dành cho lĩnh vực đang có nhu cầu cấp bách như xử lý chất thải, đường bộ và đường sắt. 
Trong khi đó, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh và nhiều nhà đầu tư khác bày tỏ quan tâm đến cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là rủi ro ngoại hối.
“Quan trọng nhất là việc cân bằng hợp lý các rủi ro; các nhà tài trợ nước ngoài cần đảm bảo hiệu quả nhất định trong việc thực hiện dự án và nhận được những quyền lợi tương xứng để tránh những rủi ro không muốn có”, ông Kenneth Atkinson nói và cho rằng, sẽ hiệu quả hơn nếu xây dựng cơ quan chính phủ chuyên trách về từng mảng cơ sở hạ tầng và áp dụng các thông lệ quốc tế rộng rãi, thống nhất thông qua một cơ quan điều phối.
Đây cũng là quan điểm được ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, chia sẻ. Ông Koji Ito đề nghị quy định rõ “luật nước ngoài” được cho phép sử dụng làm luật áp dụng khi thực hiện đầu tư PPP; cho phép nhà đầu tư và các đơn vị triển khai dự án được quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và quyền khai thác các công trình, dự án (Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho phép thế chấp nhưng Luật Đất đai, Luật Dân sự lại không quy định rõ việc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép nhận thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, do đó nhà đầu tư vẫn gặp khó khăn khi huy động vốn - PV).
Khát vọng trở thành quốc gia hùng cường
Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, những ý kiến, cả xây dựng lẫn phê bình, đều thể hiện tâm huyết, trăn trở, khát vọng đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.
Nêu lại vắn tắt những thành tựu của kinh tế Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, không chỉ đạt mức tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam còn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ được mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng; thâm hụt ngân sách giảm; môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, chất lượng môi trường kinh doanh đứng vị trí 69/190 nền kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo đứng vị trí 45… 
Tự hào khẳng định về nội lực, Thủ tướng cho biết, Việt Nam giờ là công xưởng lớn của thế giới, là điểm tựa của nhiều tập đoàn lớn, tập đoàn xuyên quốc gia có chuỗi sản xuất trong khu vực và toàn cầu. Sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng cho thấy môi trường kinh doanh hoàn toàn có thể ươm mầm cho nhiều doanh nghiệp lớn tầm cỡ, có khả năng cạnh tranh và là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế.
Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam hiện cũng đã là thành viên của các tổ chức quốc tế lớn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã “giong buồm ra đại dương”. Việt Nam cũng có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo quy trình sạch đã được các thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, Hàn Quốc chấp nhận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Tôi đề nghị địa phương, bộ ngành ưu tiên đưa quan tâm của doanh nghiệp vào chương trình nghị sự, vào sổ tay điều hành của lãnh đạo. Năm 2019 phải đơn giản ít nhất 50% điều kiện đầu tư kinh doanh”.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Chính phủ sẽ xây dựng những chính sách ưu tiên mạnh mẽ hơn nữa đối với đầu tư cho một số lĩnh vực như khoa học công nghệ; đầu tư hạ tầng nhất là hạ tầng thông minh, hạ tầng số để đón cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nhân lực…
Thủ tướng chia sẻ với các nhà đầu tư: “Việt Nam không tham vọng là người giỏi nhất toàn cầu nhưng dân tộc Việt Nam có khát vọng mãnh liệt trở thành quốc gia hùng cường không kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.

Các tin khác